Thứ Sáu, 22/11/2024 01:52:52 GMT+7
Lượt xem: 1986

Tin đăng lúc 15-02-2019

Quản lý lỏng lẻo làm tăng hoạt động buôn lậu thuốc lá

Kết quả đánh giá toàn cầu về kinh nghiệm từ các quốc gia của World Bank cho thấy, quốc gia nào có giá bán và mức thuế thấp cùng với việc quản lý lỏng lẻo thì buôn lậu thuốc lá gia tăng, đồng thời khó kiểm soát hoạt động phi pháp này.
Quản lý lỏng lẻo làm tăng hoạt động buôn lậu thuốc lá
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện thuốc lá nhập lậu đang trên đường đưa đi tiêu thụ

Các nước “xử” thuốc lá lậu ra sao?

 

Đấu tranh với buôn lậu thuốc lá và đánh giá toàn cầu về kinh nghiệm của các quốc gia với sự hợp tác của một nhóm chuyên gia đa ngành đã nghiên cứu từ hơn 30 quốc gia ở tất cả các khu vực thu nhập và phát triển. Nghiên cứu dựa trên hướng dẫn từ Nghị định thư của Tổ chức Y tế thế giới về Công ước kiểm soát thuốc lá (FCTC) để loại bỏ buôn lậu thuốc lá, cũng như từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

 

Theo đó, việc buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc lá làm suy yếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế thuốc lá. Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, buôn bán thuốc lá lậu làm yếu đi tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc tiêu thụ thuốc lá. Mặt khác, buôn bán bất hợp pháp thuốc lá thường phụ thuộc vào quản trị yếu kém và cũng có thể góp phần dẫn tới quản trị yếu kém.

 

Theo World Bank, trái với lập luận của ngành công nghiệp thuốc lá, tăng thuế thuốc lá chưa phải là nguyên nhân chính của buôn lậu thuốc lá. Các bằng chứng cho thấy ở các quốc gia có thuế và giá thuốc lá thấp thì buôn lậu thuốc lá lại tương đối nhiều hơn, trong khi ở các quốc gia có thuế và giá thuốc lá cao hơn thì buôn lậu thuốc lá lại tương đối ít hơn. Các yếu tố phi giá như tình trạng quản trị, khung pháp lý yếu và sự sẵn có của các kênh phân phối không chính thức mới là các yếu tố quan trọng hơn nhiều ảnh hướng tới tình hình buôn bán thuốc lá lậu.

Nghiên cứu của nhóm chuyên gia đúc kết rằng, để giảm buôn lậu thuốc lá, giải pháp khả thi đối với tất cả các quốc gia là tăng cường quản lý và thực thi thuế thuốc lá. Các quốc gia có những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát buôn bán thuốc lá lậu thành công, trong đó yếu tố quyết định là quản lý thuế. Các nước như Anh, Kenya và Georgia đều đã quản lý thuế thuốc lá hiệu quả, nhờ đó giảm buôn bán thuốc lá lậu trong khi thuế thuốc lá tăng và thu ngân sách từ thuế thuốc lá tăng.

 

Tăng cường các dữ liệu quốc gia, phân tích, lập kế hoạch, có quy trình thực hiện và tránh phụ thuộc vào dữ liệu do ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra là quan trọng. Các dữ liệu đáng tin cậy, việc phân tích, lập kế hoạch, phát triển năng lực, trách nhiệm, giám sát thực hiện là cần thiết. Cụ thể, các nghiên từ Colombia, Úc, Georgia và Malaysia xác nhận, những phát hiện trước đó ngành công nghiệp thuốc lá thường xuyên phóng đại quá mức và thay đổi trong buôn bán thuốc lá lậu để phản đối cải cách thuế thuốc lá.

 

Tháng 9/2018, Nghị định thư FCTC của WHO về loại bỏ buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc lá có hiệu lực, cung cấp các chuẩn mực toàn diện và khuôn khổ hợp tác toàn cầu. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Kenya, Georgia, Colombia và Bangladesh chứng minh, việc xây dựng các liên minh chính trị toàn diện chống buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá sẽ mang lại hiệu qủa cao. Các nghiên cứu điển hình của Úc, Mexico và Bangladesh cũng chỉ ra, các chương trình can thiệp mạnh, thành công để chống buôn bán thuốc lá lậu và thực hiện cải cách thuế thuốc lá cần có sự hỗ trợ tích cực và phối hợp từ nhiều bộ ngành, cơ quan chính phủ, giữa các đối tác khác. Giải quyết buôn bán bất hợp pháp là một phần không thể thiếu trong cải cách thuế thuốc lá và kiểm soát thuốc lá nói chung.

 

 

Một tiệm tạp hóa ở TP. Hồ Chí Minh bị QLTT phát hiện kinh doanh thuốc lá nhập lậu


Việt Nam chưa “xử” được vấn nạn thuốc lá lậu

 

 

Theo Tổng cục Hải Quan, từ 2014-2018, ngành hải quan đã bắt giữ 1.033 vụ buôn bán, kinh doanh thuốc lá nhập lậu. Đã bắt giữ 153 đối tượng phạm pháp, thu giữ gần 3 triệu gói thuốc lá các loại, xử lý hành chính hơn 800 vụ vi phạm, xử lý hình sự 1 vụ với 18 đối tượng.

 

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, tại Việt Nam buôn lậu thuốc lá là ngành mang lại siêu lợi nhuận nhờ trốn 135% thuế nhập khẩu, 70% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế VAT, 1,5% quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Thuốc lá nhập lậu hiện chiếm khoảng 20% thị phần, trực tiếp gây thất thu hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm cho ngân sách. Mặc dù trong mấy năm gần đây các lực lượng chống buôn lậu như Quản lý thị trường (QLTT), Hải quan, Công an, Bộ đội biên phòng đã tăng thêm lực lượng, tần suất kiểm tra, thay đổi phương án kiểm tra kiểm soát nhưng thuốc lá nhập lậu vẫn chưa giảm, thậm chí có những thời điểm còn diễn biến rất phức tạp, nhất là dịp lễ tết.

 

Theo giới chuyên gia, thuốc lá nhập lậu tràn ngập thị trường Việt Nam có ba nguyên nhân chính: chế tài xử phạt nhẹ, sự quản lý còn lỏng lẻo của các cơ quan chức năng và mạng lưới bán buôn, bán lẻ thuốc lá chưa được kiểm soát chặt. Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam nêu lên một thực trạng, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi lần đầu (đưa tội danh buôn lậu thuốc lá với mức 1.500 bao, 3.000 bao, 4.500 bao vào danh mục xử lý hình sự), các đối tượng buôn lậu thuốc lá chỉ vận chuyển dưới 1.500 bao/lần và khi bị bắt chỉ bị xử lý hành chính. “Đây là một khe hở lớn kiến cho cá đối tượng buôn lậu thuốc lá tiếp tục hành nghề và xem thường luật pháp”, ông Cường bày tỏ.

 

Năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75% sẽ đưa giá thuốc lá trong nước tăng lên. Chưa hết, dự thảo (lần hai) của Bộ Tài Chính về phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá sẽ tăng lên 80% và năm 2020 sẽ tăng tối đa lên 2.000 đồng/bao sẽ là “cú huých” cho thuốc lá lậu tràn vào thị trường. Như vậy, cuộc chiến chống buôn lậu thuốc lá sắp tới chắc chắn sẽ còn diễn ra quyết liệt nếu các cơ quan chống buôn lậu chưa có những giải pháp mới, hiệu quả và sự hưởng ứng của người tiêu dùng trong việc phòng chống thuốc lá nhập lậu.

 

Nguồn Congthuong


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang