Thứ Năm, 03/04/2025 10:05:59 GMT+7
Lượt xem: 1521

Tin đăng lúc 18-02-2025

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Lo ngại thuốc lá nhập lậu tăng mạnh

Có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét, cân nhắc, đánh giá tác động toàn diện để có lộ trình và mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phù hợp đối với thuốc lá. Nếu không có những giải pháp đồng bộ đi kèm mà chỉ tập trung vào việc tăng thuế thì nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình buôn lậu thuốc lá vốn đang nóng và phức tạp là điều dễ xảy ra.
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Lo ngại thuốc lá nhập lậu tăng mạnh
Vấn nạn chống thuốc lá lậu còn diễn biến phức tạp

Việc xem xét dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong thời điểm này có tính chất cực kỳ quan trọng vì lúc này các bên có thể đánh giá được tình hình hàng giả, hàng lậu một cách sát sườn khi thời điểm trước và sau Tết thường chứng kiến làn sóng lậu và giả ồ ạt do nhu cầu tăng cao hoặc người tiêu dùng với tiêu chí chi tiêu thắt lưng buộc bụng thường tìm đến những sản phẩm có giá rẻ mà không quan tâm nhiều đến xuất xứ, nguồn gốc. Và hàng lậu không phải chịu thuế có khả năng cao sẽ lên ngôi.

 

Những thách thức lớn

 

Từ ngày 1/3/2025, mô hình Tổng cục Quản lý thị trường chính thức kết thúc và thay đổi về mô hình mới. Cùng đó, Bộ Công Thương cũng rà soát, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các đơn vị trực thuộc Bộ này được yêu cầu sớm rà soát hoạt động và đề xuất việc tiếp tục hoặc không tiếp tục duy trì đơn vị.

 

Trong quá trình tái cơ cấu, các cơ quan chức năng có thể gặp khó khăn trong việc xác định rõ ràng trách nhiệm từng đơn vị. Việc thiếu cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý trong bối cảnh thay đổi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng.

 

Ở góc độ người tiêu dùng, thuốc lá nhập lậu vẫn được sử dụng khá tràn lan do giá rẻ (do không chịu các khoản thuế phí như thuốc lá hợp pháp) phù hợp với túi tiền người dân. TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông lâm TPHCM từng giải thích: “Trong thuốc lá lậu Jet và Hero có chứa hàm lượng coumarin rất cao. Đây là loại chất độc hại, dùng trong thuốc diệt chuột và gây ra những tác hại nghiêm trọng đến gan, bàng quang, tim mạch, tăng nguy cơ ung thư và đã bị Bộ Y tế đưa vào danh sách chất cấm dùng trong thực phẩm. Nhiều người Việt vẫn vô tư sử dụng thuốc lá lậu thì chưa hiểu biết đúng tác hại nghiêm trọng của thành phần này.”

 

Theo thông tin từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm có trên 850 triệu gói thuốc lá điếu nhập lậu được tiêu thụ ở Việt Nam, chiếm 20% tổng thị phần thuốc lá, trong đó 90% là Jet và Hero. Thuốc lá lậu không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tăng rủi ro sức khỏe cho người dân vì thuốc lá lậu không được kiểm soát chất lượng cũng như không tuân thủ bất kỳ một tiêu chuẩn nào về hàm lượng tar, nicotine cũng như các chất cấm không được dùng trong sản phẩm thuốc lá điếu.

 

Đứng ở góc độ kinh tế, mỗi năm Nhà nước thất thu thuế khoảng 6.000 tỷ đồng và làm “chảy” trên 200 triệu USD qua biên giới do hoạt động buôn lậu thuốc lá. Con số này do chính Cục Quản lý thị trường đưa ra và trở thành nỗi nhức nhối của một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam. Ở góc độ xã hội, việc lưu hành và buôn bán thuốc lá lậu trái phép tạo nên một hệ lụy xấu và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. .

 

“Cú bồi” từ tăng thuế, quản thuốc lá lậu càng khó

 

Những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp gần kề Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vừa qua, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp, đáng chú ý là buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu rên các tuyến biên giới gia tăng bất chấp sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

 

Trước tình hình này, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại rằng cho rằng cần xem xét lại việc tăng thuế sốc với thuốc lá - mặt hàng chịu thuế TTĐB khi mặt hàng thuốc lá nhập lậu chưa được kiểm soát dẫn đến hệ lụy thất thu thuế cho ngân sách nhà nước do thuốc lá hợp pháp không thể cạnh tranh được với thuốc lá nhập lậu.

 

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho hay nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược

 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) cho hay nếu việc tăng thuế quá cao và đột ngột có thể gây tác dụng ngược như sản xuất sụt giảm, hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu gia tăng, không hạn chế được tiêu dùng, thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

 

Theo đại biểu Kim Anh, điều chỉnh tăng thuế một cách hợp lý, kết hợp với tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm trẻ vị thành niên hút thuốc lá, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá thì việc hạn chế hút thuốc lá mới thực sự đạt hiệu quả.

 

Từ góc độ của lực lượng trực tiếp đấu tranh với thuốc lá lậu, Thượng tá Lê Thiện Thành - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh tại hội thảo do báo Pháp luật Việt Nam tổ chức cuối năm ngoái: “Lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lí thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng”.

 

Bên cạnh cần có mức tăng và lộ trình tăng thuế phù hợp, các biện pháp đi kèm khác cũng cần thiết nhằm phòng chống thuốc lá lậu hiệu quả. Theo Thượng tá Thành, cần sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/ND-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.

 

Theo ước tính mỗi năm thì việc thuốc lá nhập lậu đang chiếm khoảng 20% tỷ phần trong nước và ngân sách nhà nước thì thất thu khoảng 6.000 tỷ đồng. Vậy nếu tình trạng mà tăng thuế diễn ra và thị trường nhập lậu có tăng lên thì Hiệp hội Việt Nam thuốc lá đang ước tính con số thất thu ngân sách có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng vào năm 2030.

 

Trước đó, tại buổi Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra”, ông Hồ Lê Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề xuất, phương án tăng thuế phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay là áp dụng phương pháp hỗn hợp với lộ trình tăng dần. Hiệp hội đề xuất tăng 2.000 đồng vào năm 2026, 2.000 đồng vào năm 2028 và thêm 2.000 đồng vào năm 2030, nhằm tạo ra một lộ trình phù hợp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngành và thị trường.

 

Từ những phân tích và ý kiến nêu trên có thể thấy cần cân nhắc kỹ hơn về mức tăng và lộ trình tăng thuế TTĐB nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để có thể tăng cường bảo đảm các điều kiện cho công tác chống thuốc lá lậu, hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý nghiêm minh hành vi buôn lậu. Bởi nếu chỉ giảm lượng tiêu dùng thuốc lá hợp pháp bằng cách tăng thuế nhưng người tiêu dùng lại chuyển sang thuốc lá lậu có thành phần độc hại hơn thì không chỉ không đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá đề ra mà còn vô hình trung đẩy người tiêu dùng đến các sản phẩm thuốc lá lậu độc hại gấp nhiều lần. Điều chỉnh tăng thuế một cách hợp lý, kết hợp với tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá thì mới có thể hài hòa các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.  

 

Khuyên Nhi


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang