Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kịp thời xây dựng các phương án, kế hoạch để tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và đã đạt được những kết quả như sau:
Trong 10 tháng năm 2016, riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng.
- Về an toàn thực phẩm: kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ là: 3.418 chai, 11.207 lít rượu; 37.368 lon bia; 59.058 chai, lon nước giải khát; 10.330 kg, 373.873 hộp, gói bánh kẹo; 14.711 hộp, 15 thùng sữa; 250 kg, 291 chai dầu thực vật; 2.507 gói, 1.153 kg sản phẩm chế biến bột và tinh bột; 39.785 kg rau, củ, nông sản; 205.886 kg hoa quả; 17.663 kg, 2.604 con gia cầm và thịt gia cầm; 43.300 quả trứng gia cầm; 21.971 kg, 1.279 con gia súc và thịt gia súc; 215.781 kg phụ phẩm gia súc; 56.609 kg thủy, hải sản; 11.550 kg mì chính; 303.245 kg đường và 343.788 kg, 144.015 hộp, gói thực phẩm các loại.
- Về mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật:
+ Phân bón: kiểm tra 4.891 vụ; phát hiện, xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 61,42 tỷ đồng, tịch thu 20 tấn phân đạm nhập lậu, tiêu hủy 12,5 tấn phân bón NPK giả công hiệu sử dụng, 2,43 tấn phân bón quá hạn sử dụng các loại, 7 tấn phân bón NPK giả chất lượng, 25,75 tấn phân bón NPK giả mạo nhãn hiệu, 496 kg phân bón vô cơ và phân bón lá, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 02 máy khâu bao bì, buộc tái chế 78,58 tấn phân bón kém chất lượng, 15,7 tấn phân bón các loại. Chuyển cơ quan điều tra 01 vụ hàng hóa giả mạo mã vạch của nước ngoài.
+ Thuốc bảo vệ thực vật: kiểm tra và xử lý 515 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1.548,26 triệu đồng. Thu giữ 14.129 lít, chai; 831,1 kg thuốc Bảo vệ thực vật. Tiêu hủy 45 gói (phân bón viên dủi sau; phân bón lá) quá hạn sử dụng; Tịch thu 01 chai thuốc trừ bệnh, 12 bịch thuốc trừ sâu bệnh hại cây trồng, 30 chai thuốc BVTV hết hạn sử dụng. Các hành vi chủ yếu là kinh doanh thuốc BVTV trên nhãn có thông tin không đúng sự thật; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; thuốc BVTV không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc có tên trong danh mục bị cấm sử dụng; kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
- Mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu: phát hiện, xử lý 4.859 vụ, trong đó: vi phạm về vận chuyển 1.143 vụ; vi phạm về kinh doanh 3.718 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 25,74 tỷ đồng. Tịch thu 966.097 bao thuốc lá các loại; thu giữ 32 xe ô tô, 695 xe máy, 32 phương tiện khác; chuyển cho cơ quan điều tra 103 vụ.
Tuy vậy, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng vì những nguyên nhân cơ bản sau đây:
- Thứ nhất: do điều kiện địa hình tuyến biên giới phức tạp và nhiều nguyên nhân khác như: lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, phải quản lý trên địa bàn rất rộng; nhân dân khu vực biên giới không có công ăn việc làm, lấy việc cho thuê nhà làm kho chứa hàng lậu, vận chuyển thuê hàng lậu qua biên giới làm nghề kiếm sống; cá biệt còn có cán bộ, công chức không tích cực phối hợp đấu tranh hoặc làm ngơ, để đối tượng buôn lậu lợi dụng…
- Thứ hai: Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra, xử lý quyết liệt, các chế tài xử phạt đã được nâng lên, nhiều vụ việc đã bị truy tố hình sự nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng bất chấp đạo lý, bất chấp pháp luật, sẵn sàng chống đối quyết liệt các lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi vi phạm.
- Thứ ba: Các vướng mắc về cơ chế chính sách cũng là một khó khăn không nhỏ cho việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, ví dụ: chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp rất khó khăn; trang thiết bị và điều kiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu, các công cụ hỗ trợ và các thiết bị phụ trợ chưa được trang bị đầy đủ...
Công tác trọng tâm triển khai trong thời gian tới:
- Tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, hoàn thiện, trình ban hành đúng thời hạn Đề án chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm (Đề án 8) theo phân công của Chính phủ.
- Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến và các hàng hóa thực phẩm khác là hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại, nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Tập trung ngăn chặn tình trạng thẩm lậu hàng hóa như thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; các mặt hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả tại các tỉnh biên giới phía Bắc; trong thị trường nội địa, tập trung ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ đặc biệt trên các tuyến phố của các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT và Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, kiến thức pháp luật cho công chức thực thi; đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các các nhân, tổ chức có vi phạm; thường xuyên mở các đợt sinh hoạt chính trị nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, cơ quan đơn vị Quản lý thị trường trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng;
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân./.
Nguồn Moit.gov.vn