Triển khai kém hiệu quả
Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - việc giám sát kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường ở Việt Nam còn luẩn quẩn và thiếu tính hệ thống. GS. Đặng Hùng Võ ví dụ về vụ việc Công ty Formosa và phân tích: “Bây giờ chúng ta mới yêu cầu kết nối nguồn xả thải ra với hệ thống quan trắc môi trường của Hà Tĩnh, còn trước đây họ xả thải ra cái gì chúng ta không biết? Thực tế, quy định kiểm tra, giám sát, thanh tra trong hệ thống văn bản pháp luật khá đầy đủ nhưng khi thực hiện rất rời rạc, không có kết nối giữa trung ương và địa phương”.
Cùng chung quan điểm với GS. Đặng Hùng Võ, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Xuân Sinh cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật về môi trường nhiều nhưng năng lực thực thi và công cụ triển khai còn yếu kém, bất cập. Quy hoạch kinh tế, quy hoạch bảo vệ môi trường đang vênh nhau giữa địa phương và trung ương, thậm chí, trên quy định một đằng, dưới làm một nẻo.
Những bất cập này đã khiến cho số doanh nghiệp (DN) xả trộm nước thải thẳng ra môi trường mà không qua xử lý ngày càng nhiều, tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên, gây thiệt hại nặng nề tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; gia tăng gánh nặng bệnh tật, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Tăng quyền giám sát cho người dân
Tại buổi tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước yếu kém, không giám sát được DN trong việc xả thải ra môi trường.
Để tăng cường năng lực giám sát DN, theo nhiều chuyên gia, nên tăng quyền cho người dân tham gia quá trình giám sát hoạt động xả thải của DN, bởi người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường.
GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh: Hiện chỉ có Luật Đất đai người dân mới được tham gia giám sát, còn lại không có luật nào quy định việc toàn dân tham gia giám sát. Trong khi môi trường ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, tại sao không cho người dân giám sát? GS. Đặng Hùng Võ đề nghị Quốc hội nên bổ sung vào Luật Bảao vệ môi trường quy định người dân và các tổ chức xã hội tham gia giám sát việc xả thải của DN.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến cho rằng, cần xem lại quy chuẩn, tiêu chuẩn xả thải hóa chất ra môi trường, bởi quy chuẩn hiện nay thấp hơn khu vực và thế giới rất nhiều.
Bà Lê Hoàng Lan - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - so sánh: Quy chuẩn Việt Nam về chất thải hiện nay chỉ quy định theo lưu lượng hoặc dung tích và mục đích sử dụng nguồn nước tiếp nhận, chưa chú ý đến tính chất của nguồn tiếp nhận nước thải, đặc biệt là sức chịu tải. Quy chuẩn Việt Nam về nước thải đối với ngành đặc thù cũng không kèm theo yêu cầu nghiêm ngặt về vị trí xả thải… Trong khi đó, ở Mỹ và Nhật Bản, quy định cụ thể thông số ô nhiễm trong nước thải cho từng lưu vực sông cụ thể, thậm chí đến từng đoạn lưu vực, từng hồ và sông nhánh.
GS.Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Cần xem lại quy chuẩn, tiêu chuẩn xả thải hóa chất ra môi trường, không nên bất chấp hậu quả để đánh đổi thu hút đầu tư. |
Nguồn: Báo Công Thương điện tử