Thứ Sáu, 22/11/2024 23:00:51 GMT+7
Lượt xem: 3447

Tin đăng lúc 27-12-2016

Quảng Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hàng loạt giải pháp nhằm giảm bất cập từ thủ tục hành chính, ưu đãi về đất đai, thuế và đầu tư phát triển hạ tầng đã và đang được tích cực triển khai.
Quảng Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Một góc Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo

Ông Trần Thanh Chương - Phó Trưởng ban Ban Quản lý KKT Quảng Bình - cho biết: Theo quy hoạch, Quảng Bình có 2 KKT (KKT cửa khẩu Cha Lo với diện tích 53.923ha và KKT Hòn La diện tích 10.000ha), 8 KCN (diện tích gần 2.000ha) và 62 cụm điểm tiểu thủ công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ưu tiên thành lập đến năm 2015 và định hướng đến 2020. Trong đó 3 KCN có tỷ lệ lấp đầy cao: Tây Bắc Đồng Hới (85,4%), Bắc Đồng Hới (78,3%) và cảng biển Hòn La (94,95%) với nhiều dự án đã đi vào sản xuất tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động.

 

Hệ thống các KKT, KCN của Quảng Bình có lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, thuận lợi trong giao thương, dịch vụ trong nước và quốc tế, gắn kết chặt chẽ với hành lang kinh tế quốc lộ 12A, hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh và phù hợp với sự phát triển của vùng Bắc Trung bộ và hành lang kinh tế Đông - Tây, bảo đảm liên kết, hợp tác với các KKT trong khu vực như: Lao Bảo, Cầu Treo, Vũng Áng.

 

Những năm qua, Quảng Bình đã có nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào phát triển các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh như quảng bá, giới thiệu những chính sách ưu đãi của tỉnh, đặc biệt coi trọng công tác cải cách thủ tục hành chính như giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư; cấp giấy phép xây dựng ngay sau khi có kết quả thẩm định thiết kế cơ sở… Những giải pháp này đã giúp làm giảm đáng kể thời gian chuẩn bị đầu tư, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng đưa các dự án vào sản xuất… Chính vì vậy, trong năm 2016, mặc dù kinh tế vẫn khó khăn, nhưng đã có 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đăng ký đầu tư trên địa bàn, với số vốn 22 triệu USD, gồm: Dự án Nhà máy Sản xuất viên nén năng lượng Quảng Bình của Tập đoàn Dohwa Hàn Quốc, số vốn đăng ký 11 triệu USD; Dự án Trại chăn nuôi lợn siêu nạc với số vốn 9,1 triệu USD; Dự án Vật liệu xi măng SCG Việt Nam của Tập đoàn SCG Cement-Building materials (Thái Lan) đầu tư nguồn vốn 1,4 triệu USD.

 

Bên cạnh đó, Ban Quản lý KKT Quảng Bình còn quan tâm và đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển hạ tầng KKT, KCN đồng bộ, như các dự án: Xây dựng đường trục dọc KKT, hệ thống cấp điện cảng Mũi Độc, Nhà máy xử lý nước thải; hạ tầng khu chuyển khẩu Bãi Dinh, nhà liên ngành và Quốc môn KKT cửa khẩu Cha Lo…

 

Đặc biệt, việc xúc tiến đầu tư cảng Hòn La giai đoạn 2 với quy mô đầu tư xây dựng cho tàu 50.000 tấn neo đậu và bốc xếp hàng hóa hứa hẹn sẽ là cú “huých” mạnh mẽ cho kinh tế của tỉnh. Cùng với KKT, cửa khẩu quốc tế Cha Lo sẽ tạo thành khu vực kinh tế năng động hoàn chỉnh hạ tầng hành lang kinh tế Đông - Tây từ Cha Lo về đến Hòn La. Do đó với nhiều tiềm năng và lợi thế, tỉnh xác định phát triển 2 KKT thành các KKT năng động, đa ngành để phát triển kinh tế địa phương.

 

Ông Trần Thanh Chương khẳng định: Với những ưu đãi đầu tư, cộng với những lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động dồi dào… các KKT, KCN Quảng Bình được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư có chất lượng.

 

Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 16 dự án FDI đăng ký hoạt động với nguồn vốn 138 triệu USD. Trong đó có 12 dự án đăng ký ngoài các KKT, KCN, số vốn 112 triệu USD; có 4 dự án đầu tư trong KKT, KCN, số vốn 26 triệu USD.

 

Nguồn Báo Công Thương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang