Ông Phan Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết: Những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp mang hiệu quả cao. Hiện nay, Quảng Bình đang sở hữu 202 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB) cấp tỉnh, 43 sản phẩm cấp khu vực và 12 sản phẩm cấp quốc gia.
Năm 2024, Quảng Bình có thêm 11 sản phẩm và bộ sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB khu vực miền Trung - Tây Nguyên và được người tiêu dùng biết đến. Để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, thời gian qua, Quảng Bình đã thực hiện nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm CNNTTB thông qua các hội nghị kết nối, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền cho các điểm bán sản phẩm...; Triển khai các hoạt động và đánh giá các sản phẩm đã được khách hàng ghi nhận, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tham còn mưu cho tỉnh ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ các khâu như đào tạo, tập huấn, tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
Bà Hoàng Thị Hải Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết: Việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, Trung tâm đã tích cực hỗ trợ mặt hàng xuất khẩu chủ lực của địa phương nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa; Hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến thủy sản áp dụng các giải pháp công nghệ số, công nghệ mã QR code để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đồng thời, hỗ trợ xây dựng 04 gian hàng Việt trực tuyến cho các doanh nghiệp.
Tiếp đến, tỉnh Quảng Bình cũng đã triển khai các kênh phân phối, mua bán truyền thống, hỗ trợ các chủ thể sản xuất đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử. Đến nay, có gần 40 sản phẩm được tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Nhờ đẩy mạnh kết nối sản phẩm trên nền tảng số, cho nên việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nhanh chóng và rất ổn định.
Bà Phạm Thị Hoa - Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Nhân Trạch (xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: HTX nhận được hỗ trợ từ các đề án khuyến công, đơn vị đã đầu tư thiết kế mẫu mã bao bì hộp đựng mới bền đẹp và từng bước mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm thông qua hội chợ triển lãm, trên nền tảng số, các sàn thương mại điện tử… đã giúp đông đảo người tiêu dùng biết đến sản phẩm của chúng tôi, qua đó góp phần làm tăng lợi nhuận cho đơn vị.
Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ hoạt động khuyến công, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ cơ sở tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm CNNT là rất cần thiết. Các doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan nhà nước tiếp tục hỗ trợ, tư vấn, quảng bá và tìm kiếm thị trường qua các kênh phân phối, hội chợ triển lãm, các sàn thương mại điện tử… nhằm tạo chỗ đứng và nâng cao giá trị sản phẩm của các cơ sở CNNT đến với người tiêu dùng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung theo hướng bền vững.
Công Đăng