Thứ Năm, 21/11/2024 20:28:59 GMT+7
Lượt xem: 228

Tin đăng lúc 09-08-2024

Quảng Bình: Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát huy thế mạnh địa phương

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Quảng Bình đã chú trọng và ưu tiên phát triển CNNT gắn với khai thác tài nguyên, những lợi thế của địa phương, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người dân, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, phát triển mạnh kinh tế CNNT, góp phần tăng ngân sách địa phương.
Quảng Bình: Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát huy thế mạnh địa phương
Hệ thống nồi nấu cao, cô cao dược liệu của HTX Dược liệu sạch Thủy Mai

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến từng bước phát triển tích cực, nhiều cơ sở chế biến đang dần khẳng định được thương hiệu. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, các ngành công nghiệp chế biến cần đầu tư hơn nữa về công nghệ, các loại hình sản phẩm, thiết kế mẫu mã… Nắm bắt tình hình thực tế trên, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (TTKC) đã triển khai tư vấn, hỗ trợ đầu tư máy móc, công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, lồng ghép hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác cho đơn vị. 

 

Trong giai đoạn 2019 - 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công, TTKC đã hỗ trợ trên 100 đề án cho các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh; Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các sản phẩm như: Chế biến nông, lâm, thủy hải sản; Cơ khí; Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực, quốc gia, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Chị Nguyễn Mai Thủy - Chủ HTX Dược liệu sạch Thủy Mai đóng trên địa bàn (xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: Là địa phương có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cùng diện tích rừng núi Tuyên Hóa có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, Công ty đã tập trung phát triển cây dược liệu - một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển sản xuất, góp phần bảo tồn những loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao trên địa bàn, tạo sinh kế bền vững trong phát triển CNNT. Đầu năm 2024, được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, đơn vị đã chủ động đầu tư mua sắm máy móc như: Hệ thống nấu, hệ thống tưới nước, vườn ươm; đầu tư hệ thống nồi nấu cao, cô cao dược liệu phục vụ sản xuất; Thiết kế bao bì, nhãn mác nhằm mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

 Còn bà Phạm Thị Hoa - Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Nhân Trạch (địa chỉ xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: Năm 2023, sau khi nhận được sự hỗ trợ từ đề án khuyến công, đơn vị đã đầu tư thiết kế mẫu mã bao bì hộp đựng mới bền và đẹp, phù hợp hơn, từ đó, sản phẩm bán ra ngày một tăng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước mở rộng thị trường, góp phần tăng lợi nhuận cho đơn vị. 

 

Có thể thấy, việc triển khai đồng bộ hoạt động khuyến công đã huy động mọi nguồn lực tham gia, đồng thời, hỗ trợ các đơn vị, cơ sở CNNT đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nhằm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung theo hướng bền vững. 

 

Năm 2024, TTKC tỉnh Quảng Bình tiếp tục thực hiện các Chương trình khuyến công hỗ trợ đầu tư máy móc; Thiết kế bao bì nhãn mác; Xúc tiến thương mại… cho các cơ sở CNNT tạo ra những sản phẩm mang tính phát triển bền vững, chất lượng cao, mẫu mã, bao bì bền, đẹp, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị, doanh nghiệp.

 

Công Vinh 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang