Nhu cầu sử dụng rau sạch, an toàn cho sức khỏe đang được người dân rất quan tâm. Để góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm rau an toàn, chất lượng, nhiều nông dân tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.
Có 35 hộ nông dân ở tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn đã thực hiện Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong trồng trọt (VietGAP) trên diện tích khoảng 3ha.
Đây được xem là hướng phát triển có nhiều ưu thế và mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần tạo thương hiệu sản phẩm rau an toàn cho nông dân Quảng Long. Đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch để bảo vệ bản thân và gia đình của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Gia đình ông Phan Mạnh Hùng ở tổ dân phố Trường Sơn, phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) là một trong 35 hộ dân tham gia quy trình sản xuất rau theo tiêu hướng VietGAP.
TTXVN dẫn lời ông Hùng cho biết, gia đình đã có hơn 16 năm làm nghề trồng rau theo kiểu truyền thống. Từ khi tham gia vào quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP, cùng với người dân trong tổ dân phố, gia đình ông Hùng cũng đã được tập huấn và hướng dẫn cụ thể về quy trình sản xuất rau an toàn từ khâu làm đất, ủ phân đến kỹ thuật gieo và chăm sóc cây trồng…
Nhờ kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kiến thức khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân ở đây đã sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, kiểm soát được thời gian phun thuốc trước khi thu hoạch, vừa hạn chế được sâu bệnh phát sinh gây hại, vừa nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Theo ông Hùng và nhiều hộ trồng rau ở đây cho biết, trồng rau theo hướng VietGAP cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với kiểu trồng rau thông thường. Và điều đáng phấn khởi hơn là rau sạch, đảm bảo an toàn chất lượng được đến tay người tiêu dùng.
Đồng hành cùng chính quyền và các hộ nông dân Quảng Long trong triển khai dự án trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh và UBND thị xã Ba Đồn. Các sở, ngành và chính quyền địa phương đã phối hợp kiểm tra, khảo sát thực địa, hỗ trợ tu bổ đường nội đồng, hệ thống điện và nước tưới, bể sơ chế rau, bể chứa rác thải vật tư nông nghiệp...cho vùng sản xuất rau an toàn. Đồng thời, lấy mẫu đất, nước để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu về kim loại nặng.
Bên cạnh đó, các hộ tham gia mô hình cũng được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật từ cách trồng rau, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến phương pháp thu hái và sơ chế rau trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Việc sản xuất rau an toàn theo VietGAP được quản lý chặt chẽ các quy trình sản xuất từ khâu đất trồng, nước tưới, phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly với phân thuốc, thu hoạch, đến khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ.
Nguồn: PV/vietq.vn