Chủ Nhật, 24/11/2024 17:37:35 GMT+7
Lượt xem: 963

Tin đăng lúc 01-09-2020

Quảng Bình: Tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn đạt mức khá

Trong 8 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp Quảng Bình vẫn tăng 5,5% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh thành khác trong cả nước.Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng theo số liệu thống kê cho thấy công nghiệp khai khoáng vẫn tăng 5,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,5%...
Quảng Bình: Tăng trưởng ngành công nghiệp vẫn đạt mức khá
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng theo số liệu thống kê cho thấy công nghiệp khai khoáng vẫn tăng 5,6%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 5,5%...

 

Trong đó, có tốc độ tăng trưởng nổi bật nhất phải kể đến đó là ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 11,7% so với cùng kỳ và duy trì ổn định trong 8 tháng đầu năm. Đạt được kết quả khả quan như vậy là do có nguồn nhiên liệu chủ động, không phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu. Cùng với đó, là sự vào cuộc của chính quyền, sự chung tay của doanh nghiệp, đặc biệt công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong thời kỳ dịch COVID-19 của doanh nghiệp cũng đạt hiệu quả cao.

 

Mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng đây là tốc độ tăng trưởng khá, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản.

 

Được biết, công tác xúc tiến đầu tư được Quảng Bình rất chú trọng. Trong năm nay một số dự án đầu tư mới đã đi vào hoạt động và đã phát huy hiệu quả. Đối với hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thu hút đầu tư, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển công nghiệp.

 

“Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng ngành công nghiệp hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: một số cơ sở công nghiệp vẫn đang dừng sản xuất (Nhà máy xi măng Thanh Trường, Nhà máy xi măng Áng Sơn 1, các nhà máy chế biến cao su...); nhiều dự án công nghiệp lớn bị chậm tiến độ hoặc dừng đầu tư; một số dự án công nghiệp hoàn thành đưa vào hoạt động nhưng chưa phát huy hiệu quả do thiếu lao động (may xuất khẩu, gỗ ván ép xuất khẩu) hoặc tiêu thụ sản phẩm khó khăn (các cơ sở gạch không nung, nước tinh khiết, bia, chế biến cao su)…”, ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương chia sẻ.

 

Như vậy có thể thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Tốc độ phát triển còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, chưa thu hút được các dự án công nghiệp lớn, năng lực sản xuất công nghiệp còn yếu, sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp còn gặp khó... Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất vẫn đạt từ 70 - 85% công suất nhưng lượng hàng tồn kho vẫn còn lớn và tốc độ tăng trưởng chậm. Tiểu thủ công nghiệp từng bước phát triển đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, góp phần tạo ra sự tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp của ngành.

 

Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Công ty CP tư vấn và đầu tư Long Giang Thịnh cho biết, “Công ty của chúng tôi chuyên sản xuất, chế biến tinh bột sắn, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất bán sản phẩm tinh bột sắn của Công ty gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, số lượng tinh bột sắn của Công ty hiện vẫn được xuất bán nhưng tốc độ khá chậm”.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang