Những kết quả bước đầu
Ðầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vào khu vực Bắc Trung Bộ, cụ thể như tỉnh Quảng Bình thường gặp nhiều khó khăn và không ít rủi ro. Ðiều này là do địa hình có độ dốc cao, hay bị chia cắt, vùng đồng bằng diện tích nhỏ hẹp; đồng thời thường xảy ra bão lũ với tần suất dày. Mùa khô gió phơn tây nam thổi mạnh, dẫn đến thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; mùa mưa thì bão lũ xảy ra liên tục. Trước đây, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực, ưu tiên nguồn vốn, đất đai để kêu gọi đầu tư vào phát triển nông nghiệp song kết quả còn hạn chế. Từ năm 2015, lĩnh vực này mới được chú ý nhiều hơn với sự có mặt của một số dự án chế biến nông sản, nuôi thủy sản và gần đây là các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi quy mô lớn.
Ra đời chưa lâu song sản phẩm "tinh bột sắn Long Giang" đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2017, sản phẩm đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp chứng nhận "sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu". Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn và Ðầu tư Long Giang Thịnh Lê Văn Thơ cho biết, trước đây, tìm nguồn cung sắn nguyên liệu cho sản xuất của nhà máy tinh bột sắn gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ thì ổn định nhờ doanh nghiệp hợp đồng làm đầu mối bao tiêu sản phẩm sắn cho nông dân với diện tích gần 700 ha. Nhờ đó, 500 hộ dân trồng sắn nguyên liệu không còn phải lo đầu ra và nhà máy chủ động được lịch sản xuất, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão thường bị thiếu nguyên liệu.
Gần hai năm trước, Công ty TNHH Diến Hồng ở huyện miền núi Minh Hóa mở hướng đầu tư sản xuất dầu lạc với thương hiệu "Dầu lạc Nông Việt". Giám đốc Công ty Ðinh Thị Hồng cho biết, đơn vị thực hiện quy trình sản xuất dầu lạc nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn, chất lượng cao. "Lạc thu mua về được làm sạch tạp chất, đất cát, sau đó đưa vào máy tách vỏ cho ra lạc nhân. Lạc nhân được chuyển qua máy sàng tuyển để loại bỏ những hạt không đạt yêu cầu, tiếp đó, được đưa vào sấy rồi chuyển sang máy ép dầu với nhiệt độ 120 đến 140oC để dầu chín, đồng thời thu được lượng dầu nhiều nhất. Khâu cuối là lọc dầu để đóng chai thành phẩm", Giám đốc Ðinh Thị Hồng chia sẻ.
Hiện, sản phẩm "Dầu lạc Nông Việt" được tiêu thụ tại nhiều siêu thị trong tỉnh, trong đó có Co.op Mart Quảng Bình và xuất khẩu sang Thái-lan. Ðể bảo đảm nguồn lạc nguyên liệu, doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân tham gia mô hình liên kết trồng lạc. Công ty cung cấp giống chất lượng, phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cuối vụ mua lạc nguyên liệu theo giá thị trường. Việc làm này giúp nông dân các huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa tìm được đầu ra ổn định cho loại cây công nghiệp ngắn ngày luôn trong tình trạng "được mùa mất giá" lâu nay.
Tháng 3-2017, Công ty cổ phần Thực phẩm xanh Ðông Dương đầu tư xây dựng trang trại trồng rau sạch, với số vốn 37 tỷ đồng. Ðây là dự án ứng dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô lớn nhất tỉnh Quảng Bình. Lứa rau đầu vừa được thu hoạch thì cơn bão số 10 xảy ra trong tháng 9-2017 ảnh hưởng trực tiếp đến trang trại. Dù được thiết kế cho vùng chịu bão lũ, khí hậu khắc nghiệt và chủ động phòng, chống song gió bão cũng gây thiệt hại cho cơ sở sản xuất này. Vừa khắc phục hậu quả, Công ty cổ phần Thực phẩm xanh Ðông Dương tiếp tục đầu tư cho sản xuất trên diện tích với nhiều rau như: xà lách Nga, dưa lưới, cà chua, dâu tây, rau cải, dưa chuột và hoa, cây ăn quả. Ðáng chú ý, công ty áp dụng công nghệ trồng thủy canh lưu hồi, thủy canh trong giá thể cho ra đời các loại rau, củ, quả sạch và chất lượng cao. Sản phẩm của công ty không chỉ tiêu thụ tại các cửa hàng và đại lý ở Quảng Bình mà còn cung cấp cho các tỉnh, thành phố phía nam.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Phan Văn Khoa, gần đây, tỉnh đã thu hút được 160 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hoặc thu mua nông sản. Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát triển khai dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt chất lượng cao với quy mô 29 nghìn con/năm, với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình quy mô 2.400 lợn nái sinh sản. Nhiều doanh nghiệp trong nước và Thái-lan đầu tư sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao…
Chú trọng thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Phan Văn Khoa, cùng với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp, thời gian qua, việc đẩy mạnh sản xuất cánh đồng lớn đối với một số loại cây trồng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được mô hình cánh đồng lớn với diện tích 7.654 ha lúa, 4.700 ha sắn. Khoảng 90% sản lượng cánh đồng lớn được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết bao tiêu, lợi nhuận tăng 16 đến 21% so với diện tích không thực hiện liên kết.
Ðể tiếp tục thu hút doanh nghiệp, tỉnh Quảng Bình đang triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đối với các lĩnh vực, ngành hàng có lợi thế. Tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trọng tâm là chuyển đổi sản xuất theo hướng khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng và từng bước phát triển các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn gắn với đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, doanh nghiệp.
Cùng với việc chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung, trang trại, theo hướng công nghiệp, tỉnh cũng chuyển mạnh khai thác thủy sản ven bờ sang xa bờ; đồng thời phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Các địa phương chuyển mạnh trồng rừng keo, tràm sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng... Trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là điểm nhấn phát triển của nông nghiệp Quảng Bình đến năm 2030. Riêng giai đoạn 2018-2020, tỉnh mời gọi đầu tư tám dự án vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. "Trong bối cảnh nguồn ngân sách đầu tư phát triển ngành nông nghiệp còn khó khăn thì việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sẽ góp phần tạo ra cú huých, huy động được nhiều nguồn lực trong cơ cấu lại ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân", đồng chí Phan Văn Khoa chia sẻ. |
Theo báo Nhân dân