Thứ Bẩy, 23/11/2024 16:20:12 GMT+7
Lượt xem: 2544

Tin đăng lúc 13-06-2017

Quảng Nam: “Đất lành” đón vốn FDI

Quảng Nam hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó, nhiều DN quy mô quốc gia và khu vực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để có được kết quả đó, chính quyền Quảng Nam đã luôn nỗ lực cải cách gắn với mục tiêu thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Quảng Nam: “Đất lành” đón vốn FDI
Sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Chu Lai

Những dự án “tỷ đô”

 

Theo TS. Trần Ngọc Sơn - giảng viên Trường đại học Đông Á, những ngày đầu mới tái lập tỉnh (năm 1997), Quảng Nam chỉ thu hút được khoảng 20 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến nay, Quảng Nam là tỉnh dẫn đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên về thu hút vốn FDI với 135 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố có FDI tại Việt Nam. 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,06 tỷ USD; Đài Loan đứng thứ hai với 16 dự án, tổng vốn đầu tư là 184,8 triệu USD...

 

Đáng chú ý, một số dự án “tỷ đô” đã hình thành. Mới đây, ngày 24/3/2017, Tập Đoàn ExxonMobil (Hoa Kỳ) đã ký kết với tỉnh Quảng Nam về khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100km về phía Đông. Giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của dự án sẽ đủ cung cấp khí cho 4 nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW. Trong đó, 2 nhà máy đặt tại Khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và 2 nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Sản lượng khai thác trong giai đoạn mở rộng sẽ cung cấp khí cho hóa dầu, hoặc nhà máy điện thứ 5 với công suất khoảng 750 MW như trong Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng đầu tư chuỗi dự án khoảng 10 tỷ USD.

 

Không thể không nhắc đến dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An mức đầu tư 4 tỷ USD do Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises đầu tư, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (HASD) là nhà phát triển dự án. Dự án sẽ vào khai thác từng phần kể từ đầu năm 2019 và hoàn thành tổng thể vào năm 2035.

 

Tập trung vào lĩnh vực có lợi thế

 

TS. Trần Ngọc Sơn cho rằng, kết quả thu hút FDI mà Quảng Nam có được như ngày hôm nay là do tỉnh đã chủ động xây dựng chính sách hỗ trợ nhà đầu tư linh hoạt, cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng…

 

Tuy nhiên, TS. Trần Ngọc Sơn cũng nhận định: Việc thu hút FDI tại Quảng Nam chưa tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát triển của địa phương. Trong thời gian tới, Quảng Nam cần chú trọng quảng bá tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh để tiếp tục thu hút FDI, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài ra, Quảng Nam phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bảo đảm về số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

 

Để thu hút thêm FDI, TS. Trần Ngọc Sơn đề xuất, về lâu dài, Quảng Nam chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế mà tỉnh có nhiều lợi thế như: Công nghiệp hỗ trợ (cơ khí chế tạo, ô tô, điện - điện tử…); công nghiệp chế biến các mặt hàngtiêu dùng, hàng gia dụng, nông, lâm, thuỷ sản, vật liệu xây dựng; lĩnh vực nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, trồng và chế biến nông sản…); lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị (khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển, ven sông, khách sạn, nhà hàng, siêu thị)...

 

Quảng Nam hiện có 135 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD từ những nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia…

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang