Cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) đã tổ chức hội thảo trực tuyến bàn lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế nhằm khôi phục lại ngành kinh tế mũi nhọn,
Kỳ vọng mới
Theo thống kê, trong giai đoạn 1 thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 82 cơ sở lưu trú du lịch, 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ, 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương. Theo đó, tính đến cuối tháng 1/2022 Việt Nam đã đón hơn 8.500 khách quốc tế đến 3 địa phương là Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa và Quảng Nam.
Trước tình hình trên, Tổng cục Du lịch đã đề xuất lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế tại Việt Nam. Trong đó, đơn vị này đề xuất mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 1/5/2022.
Theo kế hoạch, việc đón khách du lịch đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (uotbound) qua tất cả cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường. Đồng thời, các đơn vị cũng sẽ lên phương án, yêu cầu để mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.
Về góc độ địa phương, tỉnh Quảng Nam thống nhất cao về thời điểm dự kiến mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và các nội dung có liên quan. Tỉnh Quảng Nam cũng đã đề xuất Bộ VH-TT&DL sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình mở cửa an toàn nhằm đón khách trở lại càng sớm càng tốt.
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay địa phương này đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế. Theo ông Tân, điều cần làm lúc này là cần sớm mở lại đường bay quốc tế thường lệ với các nước châu Âu, châu Mỹ và hoàn thiện thủ tục, mở rộng công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc xin với các nước trên thế giới.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng trước mắt cần phải mở cửa một cách chính thức, toàn diện thì mới mong đón được khách. Thông qua đó mới xác định rằng Việt Nam cũng như Quảng Nam sẽ có lượng du khách lớn sẽ đến như kỳ vọng hay không.
“Từ thời điểm chúng ta chính thức khẳng định mở cửa có khi đến nửa năm, một năm sau thì ngành du lịch mới đón được nhiều khách”, ông Phan Xuân Thanh nhận định.
Việc mở cửa đường bay quốc tế cũng như đăng cai năm du lịch quốc gia đã tạo ra một lợi thế lớn đối với tỉnh Quảng Nam. Đây được xem như là yếu tố then chốt để đưa ngành du lịch địa phương trở lại mạnh mẽ.
Doanh nghiệp sẵn sàng
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc mở cửa du lịch quốc tế cần được thúc đẩy sớm hơn để các bên có thời gian tốt nhất chuẩn bị các sản phẩm dịch vụ. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ phủ vaccine cao chính là yếu tố thuận lợi để bước đầu khôi phục ngành du lịch đã bị “đóng băng” từ lâu. Thông qua hành động lần này, ngành du lịch địa phương sẽ được chấn hưng sau một thời gian dài kiệt sức.
Ông Nguyễn Xuân Vỹ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ ẩm thực UNO Hội An nhìn nhận các doanh nghiệp du lịch cùng hàng triệu lao động trực tiếp, gián tiếp đến ngành du lịch đã hết sức chịu đựng. Theo ông Vỹ, nếu không mở cửa du lịch hoàn toàn thì sẽ bỏ lỡ cơ hội để phục hồi ngành nghề.
“Chỉ cần đảm bảo người dân đủ miễn dịch sinh ra từ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ít căng thẳng hơn sẽ tạo được niềm tin cho người dân và du khách. Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp đã lên kế hoạch sẵn sàng để phục vụ du khách quay trở lại. Để thực sự chấn hưng ngành du lịch, cần sự thống nhất cao hơn nữa trong việc mở cửa càng sớm càng tốt”, ông Nguyễn Xuân Vỹ nhận định.
Còn ông Lê Quốc Việt – Giám đốc Santa Sea Villa Hội An cho rằng Chính phủ và Tổng cục du lịch cũng cần có thêm các gói sản phẩm mới hoặc chính sách mềm dẻo hơn trong phòng, chống dịch COVID-19 để thu hút lượng khách quốc tế đến với Việt Nam. Theo ông Việt, hiện tại các doanh nghiệp đang trong quá trình tái khởi động trở lại, tinh thần dần lạc quan hơn nên việc mở cửa du lịch quốc tế hiện tại là rất phù hợp.
“Các công ty vận chuyển hành khách cần triển khai các phương án mới, lữ hành sẽ đi trước và dịch vụ lưu trú sẽ tận dụng khoảng thời gian tới để sắp đặt trở lại. Hiện tại các doanh nghiệp đã sẵn sàng tâm thế phục vụ nên việc mở cửa cần được triển khai nhanh chóng, nếu không nhanh thì sẽ không theo kịp các quốc gia khác. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại các doanh nghiệp cần phải chủ động tìm nguồn khách hàng, phục hồi lại hệ thống tìm kiếm để truyền tải dịch vụ”, ông Việt nói thêm.
Theo Diendandoanhnghiep.vn