Chủ Nhật, 24/11/2024 12:59:48 GMT+7
Lượt xem: 1014

Tin đăng lúc 15-01-2021

Quảng Ngãi chú trọng phát triển công nghiệp

Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển công nghiệp. Nhiều nhiệm kỳ qua, Ðảng bộ tỉnh Quảng Ngãi luôn chọn công nghiệp làm khâu đột phát về kinh tế - xã hội. Ðịnh hướng đúng, môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, ổn định và hấp dẫn đã đưa lĩnh vực công nghiệp của tỉnh phát triển với nhịp độ cao.
Quảng Ngãi chú trọng phát triển công nghiệp

"Ðất lành" thu hút đầu tư

 

Trên khu đất trống rộng hàng trăm héc-ta bỏ hoang nhiều năm tại Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, từ tháng 2-2017, sau khi được tỉnh Quảng Ngãi cấp phép, trên đại công trường Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng luôn túc trực hàng chục nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân ngày đêm nỗ lực thi công công trình. Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất Ðinh Văn Chung, đến thời điểm này, số vốn giải ngân thực hiện dự án đạt hơn 90%, nhiều hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sản xuất theo hình thức cuốn chiếu. Dự kiến, trong tháng 1-2021, công trình chính thức hoàn thành, đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động với sản lượng thép thô tối đa năm triệu tấn/năm, tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 nghìn lao động. Với quy mô lớn, dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang trở thành động lực tăng trưởng mới của tỉnh Quảng Ngãi cũng như Tập đoàn Hòa Phát với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 50 nghìn tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách địa phương 6.000 tỷ đồng/năm.

 

Cùng với KKT Dung Quất, những năm qua, Khu công nghiệp (KCN) VSIP Quảng Ngãi nằm tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, trở thành "đất lành" cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sau bảy năm, VSIP Quảng Ngãi đã cung cấp hạ tầng sản xuất cho 30 khách hàng đến từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 900 triệu USD. Trong đó, 17 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 19 nghìn lao động (lao động tại địa phương chiếm đến 95%). Chị Phan Lê Kiều Vân, công nhân của Công ty TNHH Mensa Industries tại KCN VSIP Quảng Ngãi cho biết, từ khi VSIP Quảng Ngãi hình thành, các nhà máy đã thu hút lượng lớn lao động địa phương cho nên số người lao động "ly hương" giảm hẳn, thu nhập ngày càng tăng, cuộc sống gia đình ổn định. Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Mensa Industries Ðặng Hồng Sơn cho rằng, sự hỗ trợ kịp thời về cơ chế, chính sách của tỉnh đã giúp cho công ty hoạt động thuận lợi, sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, sau hai năm đi vào hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, Công ty TNHH Mensa Industries không ngừng phát triển, đã thu hút hơn 3.000 lao động với thu nhập bình quân 9-10 triệu đồng/người/tháng. Ðây là tiền đề quan trọng để công ty tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động trong tỉnh. Cùng chung nhận định, theo ông Tan Yit Liang, Phó Tổng Giám đốc VSIP Quảng Ngãi, ngay từ ngày đầu thành lập, VSIP Quảng Ngãi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo và các ban, ngành của tỉnh. Ðặc biệt, tỉnh còn thành lập Tổ một cửa tại VSIP Quảng Ngãi gồm các cán bộ, chuyên viên giỏi đã tận tâm hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng các vướng mắc thủ tục hành chính về đầu tư và hoạt động hằng ngày.

 

Có thể nói, những gam mầu tươi sáng trong phát triển kinh tế của Quảng Ngãi có đóng góp không nhỏ từ kết cấu hạ tầng KKT Dung Quất, các KCN và cụm công nghiệp được tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ðồng thời, tỉnh đã chú trọng công tác thu hút đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính cho nên nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Quảng Ngãi làm ăn ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng tại KKT Dung Quất và các KCN tại Quảng Ngãi, đến nay có 353 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 296,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 54 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,88 tỷ USD và 299 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 254,6 nghìn tỷ đồng. Hiện, 169 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ năm 2020 đạt 120 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 10,5 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt một tỷ USD; giải quyết việc làm mới cho 5.050 lao động.

 

Ðiều đáng ghi nhận là ngoài đóng góp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, sự bứt phá về các sản phẩm cơ khí, thiết bị công nghiệp nặng của Công ty Doosan Vina cùng nhiều sản phẩm mới như luyện kim, thiết bị điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm… của các doanh nghiệp khác đã đáp ứng tốt thị trường trong nước, xuất khẩu đến hơn 30 nước trên thế giới, giúp ngành công nghiệp Quảng Ngãi có thêm nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh, giai đoạn 2015-2020, điểm sáng lớn nhất của Quảng Ngãi là phát triển công nghiệp. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách của địa phương.

 

Huy động nguồn lực cho phát triển

 

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, để vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền trung vào năm 2025, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 20 tiếp tục xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá, phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tăng bình quân từ 8-9%/năm. Trong đó, tỉnh chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch; xử lý nước thải, rác thải, các sản phẩm từ tro, xỉ của ngành công nghiệp luyện kim; năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp hỗ trợ liên quan đến hóa dầu, luyện kim, cơ khí, điện - điện tử, dệt may... Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN của tỉnh. Tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển KKT Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với trọng tâm là các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo. Ðồng thời, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như: may mặc, giày da, lắp ráp linh kiện điện tử,... để giải quyết việc làm cho người lao động. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

 

Ðể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đột phá lĩnh vực công nghiệp, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Ðặng Văn Minh, tỉnh sẽ quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng cảng biển, giao thông đường bộ, hạ tầng kỹ thuật trong các KCN nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. "Quảng Ngãi quyết tâm xây dựng là điểm đến thân thiện, kinh doanh an toàn, đầu tư hiệu quả và phát triển bền vững và xem thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh", Chủ tịch UBND tỉnh Ðặng Văn Minh nhấn mạnh.

 

Ðóng vai trò là đầu tàu và hạt nhân tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và thu ngân sách của tỉnh, cho nên sự phát triển của KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đột phá về công nghiệp, hạ tầng. Do vậy, năm 2021, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 150-200 triệu USD, giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ đạt 148 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 13,9 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu một tỷ USD, giải quyết việc làm mới cho 5.000 lao động. Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi Ngô Văn Trọng cho biết, Ban đã đề ra tám nhiệm vụ chủ yếu, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng thành khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm lọc hóa dầu, năng lượng; cảng biển nước sâu Dung Quất…

 

Sau khi rà roát kỹ lưỡng các quy hoạch đã phê duyệt, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025 gồm: Sản xuất hóa dầu, hóa chất; dệt, may mặc, giày da; chế biến thực phẩm, nước giải khát; các nhà máy cơ khí chế tạo; sản xuất kim loại và gia công thép; sản xuất điện dân dụng, thiết bị, vật liệu điện đa dụng, điện tử; công nghiệp hỗ trợ, logistics; đầu tư khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại, du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng; các dự án công nghiệp công nghệ cao; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo... Phát huy vai trò đầu tàu công nghiệp của tỉnh, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đang trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu đưa ngành công nghiệp vươn lên tầm cao mới, phát triển nhanh và bền vững. Và trong tương lai gần, đây còn là khu vực phát triển đô thị, trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia, dịch vụ, du lịch của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung.

 

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Ngãi tăng bình quân khoảng 4,58%/năm, riêng năm 2020 đạt hơn 134 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% so năm 2019. Trong đó, nhờ sản lượng của sản phẩm thép Hòa Phát Dung Quất tăng cao, cho nên giá trị sản xuất công nghiệp (không kể dầu thô) đạt hơn 55,5 nghìn tỷ đồng, tăng 52,68% so năm 2019.

 

Theo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang