Thứ Bẩy, 23/11/2024 19:44:34 GMT+7
Lượt xem: 5172

Tin đăng lúc 20-03-2017

Quảng Ngãi: Xanh hóa rừng ngập mặn

Để phòng ngừa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, Quảng Ngãi đang tập trung khôi phục phát triển rừng ngập mặn, phục hồi các cây bản địa phù hợp để chống sạt lở, giảm thiểu nhiễm mặn, bảo tồn hệ sinh vật và tài nguyên thiên nhiên.
Quảng Ngãi: Xanh hóa rừng ngập mặn

Từ thực trạng buồn

 

So với năm 2002, diện tích rừng ngập mặn ở Quảng Ngãi đã giảm đi hơn 30%. Khu vực đầm ngập mặn giữa hai xã Tịnh Kỳ và Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) từ lâu đã không còn được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của rừng ngập mặn. Trên mặt đầm nhấp nhô những chòi nuôi tôm, nay chỉ còn lác đác vài bụi đước, sú đứng dựa lưng vào nhau. Tại khu vực này, cách đây chưa đầy 10 năm, có hơn 10ha rừng mập mặn. Đây cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim, cò quý hiếm. Thế nhưng môi trường sinh thái trong lành ấy đã sớm nhường lại cho việc người dân san ủi, chặt phá để nuôi trồng thủy sản.

 

Cùng tình trạng trên, rừng dừa nước tại xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi vốn rộng hơn 100ha nay chỉ còn vỏn vẹn 9ha. Và nguy cơ mất trắng khu rừng sinh thái này rất cao khi nhiều người dân vẫn đang tiếp tục chặt phá để làm hồ nuôi thủy sản.

 

Đây là tình trạng chung của tất cả các rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh. Bị san ủi, chặt phá với hàng trăm ha, không chỉ rừng ngập mặn mà nhiều loài sinh vật như: chim, cò, tôm, cá... sống dựa vào rừng cũng đang phải “kêu cứu” khi mất đi môi trường sống.

 

 Hiện hữu những mảng xanh

 

Trước thực trạng rừng ngập mặn ngày càng thu hẹp, trong khi thiên tai ngày càng bất thường tỉnh Quảng Ngãi đang ra sức khôi phục và trồng mới một số diện tích rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển để chủ động ứng phó và hạn chế thiên tai, đồng thời, bảo vệ môi trường ven biển, chống sạt lở và bảo vệ nguồn thủy sản trong khu vực sông, đầm.

 

Dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển xã Bình Thuận do Sở TN&MT làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2014 với kế hoạch trồng mới 114 ha. Tổng kinh phí của dự án trên 24 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.   

 

Trong vòng 2 năm nay, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, đã có hơn 60ha diện tích cây đước và cóc trắng bản địa được trồng mới, nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn tại đây lên gần 100ha. Sau khi được khôi phục theo kế hoạch, khu vực này sẽ góp phần xử lý nước thải sau nhà máy lọc dầu và góp phần giảm ô nhiễm, khí thải, chống sạt lở và điều hòa khí hậu trong khu kinh tế.

 

Những năm gần đây, các khu vực ven biển thường bị xâm thực của sóng biển, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần. Rừng ngập mặn được phục hồi sẽ có vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng phòng hộ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển.

 

Với Dự án trồng rừng ngập mặn ven biển rộng 90ha ở các xã Bình Phước, Bình Trị và Bình Đông (Bình Sơn), đến nay, đã có hơn 40ha được trồng mới và khôi phục. Ông Phí Quang Hiển - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Rừng ngập mặn giảm đi, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của dân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Chúng tôi triển khai vừa kết hợp với chương trình mềm như trồng cây cho các khu vực ven sông, ven biển, vừa xây đê bao che chắn giảm bớt xâm thực của biển để bảo vệ bờ biển.

 

Nỗ lực duy trì vành đai xanh ngăn sóng, giảm xâm thực bờ biển, diện tích rừng ngập mặn đang có dấu hiệu hồi phục rõ rệt so với 2 năm trước đây, từ 200ha mở rộng lên con số 300ha. 

 

Nguồn Moit.gov.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang