Từ sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần không nhỏ cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng được 17 vùng sản xuất với 44 doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp tập trung, góp phần hình thành nên 326 sản phẩm OCOP và tạo việc làm cho gần 2.000 lao động.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Quảng Ninh đầu tư vào nông nghiệp, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long đã được tỉnh Quảng Ninh và TX Quảng Yên đồng ý cho quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, tập trung với diện tích trên 31ha tại phường Cộng Hòa.
Để có được sản phẩm rau chất lượng công ty đã có nhiều mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với Viện rau quả TƯ để nhận chuyển giao kỹ thuật trồng vào chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo yêu cầu chất lượng phục vụ sản xuất rau an toàn. Hiện công ty đã xây dựng một trung tâm điều hành sản xuất gồm các chuyên gia, kỹ thuật viên của Viện Rau quả trung ương để hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn theo hướng VietGAP cho những hộ nông dân hợp đồng trồng rau tại phường Cộng Hoà.
Được biết, tại kỳ họp lần thứ 13 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 194/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngoài việc được hưởng những cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, tỉnh Quảng Ninh còn hỗ trợ đầu tư bổ sung dành cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh.
Theo đó, các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp tại Quảng Ninh sẽ được hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng, thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ lãi suất với mức hỗ trợ 6%/năm/số dư nợ thực tế trong thời gian tối đa 3 năm tính từ ngày bắt đầu vay vốn theo hợp đồng tín dụng.
Trong trường hợp nhà đầu tư có dự án theo chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hoặc khi xây dựng vùng nguyên liệu mà có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân, hoặc có dự án đầu tư tích tụ đất hình thành vùng nguyên liệu thông qua hình thức hộ gia đình, cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất/số dư nợ thực tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, chi phí nguyên liệu, chi phí trả tiền công cho người lao động, chi phí hỗ trợ đào tạo, tập huấn kỹ năng tay nghề; hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào dự án và hỗ trợ san lấp mặt bằng.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh còn hỗ trợ riêng theo từng lĩnh vực đối với một số dự án đang khuyến khích đầu tư, như: Sản xuất giống lợn Móng Cái, giống gà Tiên Yên, giống thủy sản chủ lực cần xây dựng thương hiệu,…
Dự án đầu tư được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện chung như: sử dụng tối thiểu 30% lao động địa phương; dự án nằm trong quy hoạch được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có cam kết đúng tiến độ; bảo đảm các tiêu chuẩn chuyên ngành, vệ sinh môi trường, điều kiện vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch… Ngoài ra phải đáp ứng từng quy định về quy mô, công suất đầu tư tối thiểu theo từng lĩnh vực đầu tư.
Nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ được lấy từ ngân sách địa phương bố trí lồng ghép từ vốn đầu tư tập trung, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn khoa học công nghệ và kinh phí sự nghiệp kinh tế theo phân cấp chi ngân sách hiện hành.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có ý nghĩa xã hội rất lớn vì góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho bà con thay đổi cơ cấu kinh tế... Vì vậy, cùng với nỗ lực đưa ra chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, các cấp chính quyền, ban ngành cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai chính sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Enternews