Đây là chính sách kích cầu du lịch Quảng Ninh năm 2022 vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 6 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2021), HĐND tỉnh khoá XIV.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho hàng trăm doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tạm ngưng hoạt động, hàng nghìn người bị mất việc làm… Đợt dịch thứ 3 chưa kịp phục thì lại đến đợt dịch thứ 4, du lịch Quảng Ninh thêm một lần “gục ngã”.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh dự báo, tình hình dịch COVID-19 sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nói chung, du lịch, dịch vụ. Theo đó, lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh sẽ khó có thể phục hồi được ngay trong năm 2022 như thời gian trước năm 2000. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có các chính sách để thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh để thích ứng an toàn nhằm mục tiêu ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững trật tự xã hội, trong đó các chính sách phù hợp như miễn, giảm phí tham quan vịnh Hạ Long, Khu Di tích và danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh cho khách du lịch.
Các chính sách này sẽ đóng vai trò quan trọng, là “vốn mồi” để tái khởi động hoạt động dịch vụ du lịch, thông qua các khu, điểm du lịch này để thu hút khách đến các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ đó góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh.
Dự kiến, trong 6 tháng đầu năm 2022, số khách tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long sẽ đạt 1,2 - 1,5 triệu lượt; khách tham quan Bảo tàng Quảng Ninh khoảng 100 nghìn lượt; khách tham quan Khu Di tích và danh thắng Yên Tử khoảng 200 - 250 nghìn lượt.
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, hai năm qua, chúng ta đã nhận ra “Không có áp lực không có kim cương” nên cho dù bất kỳ hoàn cảnh nào chúng ta sẽ không dao động, chùn bước trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào; xem khó khăn chỉ là trải nghiệm, xem nghịch cảnh chỉ là môi trường để rèn luyện, tôi luyện bản lĩnh ý chí, nghị lực; luôn biết tìm ra động lực, nguồn lực mới và biết tạo ra áp lực trong công việc, nắm chắc tình hình, trăn trở tìm ra điểm nghẽn, khâu đột phá để vận dụng, đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, uy tín và kết quả công tác của từng đồng chí trên mỗi cương vị được giao; rèn luyện và thực hành phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, làm quyết liệt, đến cùng và có kết quả, hiệu quả đo lường được.
Năm 2019, Quảng Ninh đón được hơn 14 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 29.486 tỷ đồng, tăng 25%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, từ năm 2020 trở lại đây, lượng khách du lịch đến Quảng Ninh bị giảm mạnh. Cụ thể: Năm 2020, du khách đến tỉnh đạt 8,73 triệu lượt, bằng 63% so với 2019, tổng thu từ du lịch đạt 17.000 tỷ đồng, bằng 58% so với năm 2019. Ước năm 2021, tổng khách du lịch khoảng 4 triệu lượt, bằng 45% cùng kỳ năm 2020, tổng thu du lịch ước đạt 7.000 tỷ đồng, bằng 40% so với cùng kỳ.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ ở Quảng Ninh, làm giảm thu nhập của người lao động và làm suy yếu năng lực tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ có nguy cơ phá sản cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng nghìn lao động.
Ông Nguyễn Văn Phượng - Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết, trong 2 năm vừa qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều tháo gỡ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động du lịch. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã khiến các doanh nghiệp không có nguồn thu để trả các khoản nợ ngân hàng, bảo hiểm, thuế cũng như các chi phí duy tu bảo dưỡng và tái khởi động lại hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Chủ tàu du lịch tại Quảng Ninh cho biết, dịch COVID-19 bùng phát liên tiếp khiến ông phải bán tàu để cắt lỗ, giảm bớt chi phí.
Theo kết quả khảo sát tháng 5/2021 của Sở Du lịch Quảng Ninh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động ngành du lịch của tỉnh bị cắt giảm, thôi việc khoảng 31% (8.000 người); lao động tạm nghỉ việc không có tiền lương dự kiến sẽ quay trở lại làm việc khi doanh nghiệp có thông báo khoảng 46% (12.000 người); lao động làm việc thường xuyên chiếm khoảng 12% (3.000 người) và lao động nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên khoảng 3.000 người.
Cơn “sóng thần” thứ 4 của dịch COVID-19 tiếp tục càn quyét khiến ngành du lịch Quảng Ninh “ngấm đòn”. Việc đưa ra các chính sách kích cầu, hỗ trợ được coi như liều thuốc để cứu doanh nghiệp du lịch đang “thoi thóp” vì dịch bệnh.
Theo Diendandoanhnghiep.vn