Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, vượt chỉ tiêu ngân sách Trung ương giao. Không chỉ hoàn thành “mục tiêu kép” Quảng Ninh còn là địa phương thực hiện nhiều trọng trách Chính phủ giao trong cuộc chiến chống Covid-19 như đón các công dân từ vùng dịch hay bố trí nơi cách ly an toàn cho hàng nghìn người là các thuyền viên nước ngoài...
Chìa khóa để Quảng Ninh có thể hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong một năm vất vất do Covi-19, đó là sự đồng hành, chia sẻ khó khăn cộng đồng dân cư, doanh nghiệp.
"Khi có lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán, tôi hy vọng Việt Nam sẽ liên lạc để giúp đỡ những người ở bên này. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi rất cảm động và yên tâm". "Được trở về Tổ quốc tôi cảm thấy rất vui. Tôi cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Đại sứ quán và cảm ơn tất cả đồng bào đã dang tay chào đón chúng tôi trở về từ thành phố dịch bệnh Vũ Hán". Đó là tâm trạng của những công dân Việt Nam trở về trên chuyến bay đầu tiên từ tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào ngày 10/2/2020 tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn.
Đây là chuyến bay đặc biệt, đi thẳng vào tâm dịch đưa người Việt Nam trở về trong thời gian dịch bùng phát. Cho đến thời điểm này, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn là địa điểm đón nhiều chuyến bay nhất kể cả giải cứu và đưa đón hơn 30 ngàn chuyên gia, người lao động từ các vùng dịch khác trên thế giới về nước với tổng cộng 180 chuyến bay.
Ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết: "Ngay ban đầu thì mọi người khá là bối rối. Chuyến bay đầu tiên thì chúng tôi phải báo cáo với tỉnh Quảng Ninh để thống nhất quy trình cách ly vừa đảm bảo việc cách ly và không lây nhiễm là không đi qua nhà ga mà tất cả mọi thủ tục diễn ra tại sân đỗ máy bay..."
Là địa bàn tuyến đầu chịu áp lực sớm nhất và thường xuyên khi đại dịch Covid-19 xuất hiện do có cả đường biên trên biển và đất liền giáp với Trung Quốc, Quảng Ninh đã dồn toàn lực cho tuyến đầu chống dịch. Ba phòng tuyến được thiết lập gồm Bộ đội Biên phòng, chính quyền 3 huyện, thành phố biên giới là Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và lực lượng Công an. Đây là những rào chắn vững vàng giúp Quảng Ninh duy trì an toàn trong suốt một năm dịch bệnh hoành hành. Những nghĩa cử ấm áp, nhân văn xuất hiện đã giúp cuộc chiến chống lại Covid-19 tại Quảng Ninh bớt căng thẳng, áp lực. Họ - dù là những chủ tập đoàn lớn hay cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, người dân đều chấp nhận những thiệt thòi về kinh tế đổi lại những phút giây bình yên trước đại dịch.
Chị Bùi Thị Thúy Hạnh, Giám đốc khách sạn Bảo Minh - nơi tình nguyện đón người nước ngoài cách ly không thu phí những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất - chia sẻ: "Tôi đã phải gửi mail xin lỗi tất cả các công ty lữ hành đã đặt phòng trước đó và bồi thường, gửi lại những gì họ đã đặt cọc để đồng ý với tỉnh là đón 4 người khách Trung Quốc vào tháng 2. Sau đó khách sạn chúng tôi đón thêm 1 đoàn hơn 150 người trong đó có Việt Nam, Canada, Ấn Độ, Hàn Quốc về đây cách ly. Tôi thấy họ khó khăn trong tài chính kinh tế nên tôi quyết định hỗ trợ tiền nghỉ và ăn uống trong vòng 14 ngày cách ly để chung tay cùng với tỉnh nhà chống Covid-19."
Quảng Ninh còn chủ động lên phương án tiếp nhận các tàu hàng, hãng tàu biến quốc tế cập cảng vào tiếp nhiên liệu và thay đổi thuyền viên nhất là những thuyền viên người nước ngoài sau nhiều tháng lênh đênh trên biển với môi trường làm việc khắc nghiệt.
Ông Bùi Ngọc Nam, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh cho biết hơn 2.000 nghìn thuyền viên là người Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đã được đưa lên bờ, cách ly và về trở về nhà an toàn nhờ những quyết định hết sức nhân văn của tỉnh.
"Xuất phát từ việc thuyền viên làm việc quá lâu trên thuyền, hết hạn hợp đồng do cách ly dịch Covid -19. Chúng tôi tham mưu báo cáo cho cơ quan cấp trên cần có giải pháp, quy trình để tiếp nhận thay đổi nếu không sẽ dẫn tới trầm cảm, xô xát với các thuyền viên khác. Cảng vụ đã phối hợp với kiểm dịch đã xây dựng quy trình chuẩn, đảm bảo khi Chính phủ thiết lập những chuyến bay, để các thuyền viên nước ngoài có thể về nước. Trong khi thế giới và nhiều quốc gia trong khu vực còn băn khoăn và chưa xác định được việc nhân đạo này thì Quảng Ninh đã chủ động làm việc này", ông Nam cho hay.
Năm 2020- một năm đầy biến động, thách thức do đại dịch Covid-19 nhưng cũng là năm đầy ấn tượng khi Quảng Ninh đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột phát triển kinh tế của địa phương. Với sự xuất hiện của Tổ hợp Công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công – Việt Hưng trên 300 ha; tuyến cao tốc dài nhất cả nước được triển khai; các gói kích cầu lớn chưa từng có được tung ra để làm nóng thị trường du lịch nội địa... đã góp phần khẳng định Quảng Ninh luôn là địa bàn năng động, có sức hấp dẫn, cạnh tranh riêng trong khu vực. Đây cũng chính là động lực giúp Quảng Ninh vững vàng đạt "mục tiêu kép" với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 10%, tổng thu ngân sách trên địa bàn 49.300 tỷ đồng, vượt dự toán ngân sách giao đến 9,4%, đặc biệt là đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người dân...
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HDND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Nhân dân và các doanh nghiệp và hệ thống chính trị đã chung tay góp sức vượt qua khó khăn ở thời điểm cam go nhất khi dịch bùng phát phía bên kia biên giới cũng như trong nội địa ở đợt 1 và đợt 2. Đến nay chúng tôi vẫn đang thực hiện trong đó có nhiều công việc thầm lặng được Chính phủ và Ban chỉ đạo giao. Quảng Ninh xin cam kết tiếp tục thực hiện tốt trọng trách mà Chính phủ giao phó,hỗ trợ các địa phương bạn trong việc phòng chống dịch Covid -19 ở trạng thái bình thường mới vừa thực hiện các mục tiêu kép nhất là mục tiêu phục hồi kinh tế xã hội lấy lại đà tăng trưởng."
Năm 2021 vẫn tiếp tục được xác định là một năm đầy khó khăn khi dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025. Chính quyền và nhân dân Quảng Ninh đang dồn lực tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” phòng chống dịch và ổn định tăng trưởng kinh tế./.
Theo VOV