Thiếu nhân lực nhiều lĩnh vực
Buổi giao lưu giữa Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc và cán bộ chủ chốt của tỉnh với tuổi trẻ trên địa bàn được tổ chức trước thềm Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2017- 2020 diễn ra trong 3 ngày (20 - 22/9). Với tinh thần cởi mở, trao đổi thẳng thắn, đại biểu thanh niên đã đặt ra gần 20 câu hỏi liên quan chủ yếu vào 5 nhóm vấn đề: Chính sách đào tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; hỗ trợ, phát triển thanh niên khởi nghiệp; cải cách hành chính; vấn đề thực hiện kỷ luật, kỷ cương công chức; thanh niên tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và các vấn đề xã hội. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là vấn đề "nóng" được giới trẻ Quảng Ninh đặc biệt quan tâm.
Trao đổi tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Văn Bình - Phó Bí thư huyện đoàn Quảng Ninh - nêu vấn đề: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất quan trọng cho chiến lược tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp hiện đại. Quảng Ninh có cơ chế chính như thế nào trong đào tạo nhân lực chất lượng cao?
Trả lời câu hỏi, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc cho biết: Đây là vấn đề lớn mà tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều vấn đề. Cụ thể: Thực hiện đề án 25, phân cấp quản lý quản lý, sắp xếp tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư…, tập trung khai thác tất cả các tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là vị trí địa lý, lợi thế về văn hóa di sản… Do vậy, vấn đề nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu trầm trọng.
Hơn nữa, gần đây, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương cho xây dựng mô hình hành chính kinh tế đặc biệt tại 3 địa điểm; trong đó Quảng Ninh có Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Để thực hiện điều này, cần phải có cơ chế vượt trội cạnh tranh tầm quốc tế. Do vậy, phải xây dựng Luật Hành chính kinh tế đặc biệt, đây là một mô hình rất mới. Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã và đang tập trung các nguồn lực để xây dựng hạ tầng cho Khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Tỉnh đang chỉ đạo điều hành quyết liệt các giải pháp đầu tư hạ tầng quan trọng cần thiết, như hệ thống đường cao tốc và khánh thành sân bay Vân Đồn...
Hiện, tỉnh đã có những nhà đầu tư chiến lược, trong đó có các nhà đầu tư chiến lược toàn bộ phần lõi liên quan đến trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp có casino tại Vân Đồn. Đồng thời, đang quyết liệt giải quyết thủ tục xúc tiến đầu tư, cũng như các dự án đầu tư liên quan đến nhiều tập đoàn lớn, như: VinGroup, SunGroup, FLC… "Để khai thác hết các vị trí ngoài khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh cần nguồn nhân lực chất lượng cao tầm cỡ quốc tế, đòi hỏi phải chuẩn bị cấp bách ngay từ bây giờ. Hiện nay, tỉnh đang thiếu rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả công tác quản lý, công chức, viên chức, đến quản lý các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, ngay cả công nhân lao động lành nghề hiện chúng ta cũng rất thiếu"- ông Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh.
Cần chính sách cụ thể
Để giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, Quảng Ninh đã có cơ chế, chính sách tiến hành nhiều năm. Cụ thể: Chương trình 2141 khuyến khích cán bộ, công nhân viên tỉnh Quảng Ninh tích cực học tập, nâng cao trình độ. Gần đây, tỉnh cũng chủ trương đào tạo lại đội ngũ cán bộ, dành gần 200 tỷ đồng mỗi năm cho chương trình đào tạo lại, đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng cho cán bộ viên chức của Quảng Ninh từ tỉnh xuống các cơ sở; kể cả doanh nghiệp có liên quan...
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh - cho biết thêm: Tỉnh đã thành lập trung tâm phát hiện và đào tạo nguồn nhân lực cao thuộc Trường đào tạo Nguyễn Văn Cừ. Trường đào tạo Nguyễn Văn Cừ cũng thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, để xây dựng nguồn nhân lực cho Trường Đại học Hạ Long. Như vậy, một số cơ chế, chính sách tập trung cho việc đào tạo, chuyển đổi theo yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời đáp ứng cơ cấu kinh tế dịch vụ, sẽ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Chia sẻ tại cuộc giao lưu, Đỗ Thị Thùy Linh - sinh viên Khoa du lịch Trường Đại học Hạ Long - cho biết: "Cũng như các sinh viên khác, ngoài được hỗ trợ 100% học phí, tôi được hỗ trợ 120.000 đồng để mua đồ dùng học tập và được ở ký túc xá miễn phí. Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật, như: Hệ thống thư viện, máy tính trong trường cũng rất đầy đủ… Đây là cơ hội, cũng là nguồn động lực rất lớn dành cho sinh viên nỗ lực học tập hơn, để sau này có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Quảng Ninh".
Được biết, đến nay, Trường Đại học Hạ Long đã mở ra 9 chuyên ngành, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Văn hóa, du lịch, ngoại ngữ và môi trường, để phục vụ yêu cầu phát triển chung. Nhà trường không chỉ đào tạo các sinh viên, mà còn làm nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người lao động ở đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp về kỹ năng hướng nghiệp, các ngành nghề phục vụ và du lịch. Tỉnh cũng đặt đơn hàng với Trường Đại học Hạ Long trong 1 năm, ngoài 9 lớp đào tạo mang tính chất chuyên nghiệp, còn có các chuyên ngành bồi dưỡng và đào tạo lại.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh: Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được Quảng Ninh triển khai đồng bộ trong nhiều năm qua. Kèm theo đó, các cơ chế, chính sách của HĐND và UBND được triển khai thực hiện bằng rất nhiều giải pháp cụ thể khác nhau… |
Nguồn Báo Công Thương