Thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh là 1 trong 7 địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Giai đoạn 10 năm từ 2011 – 2020, ngành Công nghiệp tỉnh Quảng Ninh luôn duy trì nằm trong tốp 10 địa phương đóng góp cao nhất trong tổng giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp cả nước. Đến năm 2020, công nghiệp của tỉnh đóng góp khoảng 3,9% giá trị tăng thêm và đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn này, ngành Chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt khoảng 13,7%/năm và nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ gồm các sản phẩm dệt may – da giày; Cơ khí và sản xuất kim loại; Chế biến gỗ, giấy, lâm sản có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đóng góp phần lớn vào xu hướng tăng dần tỷ trọng của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Để thúc đẩy ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và thực sự trở thành 1 trong 3 trụ cột chính nền kinh tế địa phương (bao gồm ngành: Than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo), ngày 16/11/2020, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nhanh, bền vững ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP; Tốc độ tăng giá trị bình quân 17%/năm; Thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng và tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 20% trong GRDP; Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; Thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 100.000 tỷ đồng; Tạo ra trên 50.000 chỗ làm việc mới.
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết số 01-NQ/TU, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể như: Phát triển nhanh và bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; Huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững; Huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Công nghiệp nói chung, công nghiệp hỗ trợ nhanh và bền vững…
Sản xuất tại Công ty TNHH Texhong Liên Hợp Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà)
Từng bước hiện thực hóa các mục tiêu đó, thông qua nhiều nguồn lực khác nhau, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, đảm bảo thông thương hàng hóa. Trong đó, hạ tầng giao thông luôn được Quảng Ninh xác định là then chốt của sự phát triển. Do đó, tỉnh đã triển khai hàng loạt các dự án động lực nhằm rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, tăng cường sự liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH. Có thể kể tên một số dự án đường cao tốc như: Vân Đồn - Móng Cái; Hạ Long - Hải Phòng; Hạ Long - Vân Đồn; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả… Cùng với đó, cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) được quan tâm đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại.
Để thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai dự án. Đồng thời, Quảng Ninh còn thành lập tổ công tác về xúc tiến đầu tư của tỉnh để thực hiện chỉ đạo việc tiếp cận, xúc tiến, tháo gỡ vướng mắc của các dự án lớn trong ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo do các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước nghiên cứu; Thu hút có chọn lọc dự án FDI chất lượng cao vào các ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; Phát triển các KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, giảm bớt KCN tổng hợp; Thường xuyên tổ chức gặp mặt, tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp và nhà đầu tư nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ trọng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng dần theo từng năm. Đơn cử như năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm 11,3%, năm 2022 tăng lên là 11,5%. Dự kiến năm 2023 sẽ chiếm khoảng 12,3%, tăng 1,0% so với năm 2021. Tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2021 - 2022 đạt 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU đề ra là 17%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, tăng 13,13%; Thu hút vốn đầu tư của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo sau 02 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD (đạt trên 80% mục tiêu đề ra trong Nghị quyết là 50.000 tỷ đồng vào năm 2025).
Mặt khác, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, như KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn 1); Chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô tại các KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong; Cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai… với nhiều tập đoàn lớn có năng lực vào đầu tư như: Tập đoàn TCL, Foxconn, Jinko Solar…
Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách. Cùng với đó, Quảng Ninh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Qua đó, tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, hiện đại, an toàn, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động và chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với quan điểm phát triển theo hướng “linh hoạt, đổi mới”, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện các đề án xây dựng, phát triển KKT, KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Sở Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng nhiệm vụ, dự toán kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ưu đãi về thuế, đất đai. Cụ thể, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông, cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp ô tô. Thông qua đó, sẽ hướng tới mục tiêu giảm nhập siêu linh kiện, phụ tùng và thúc đẩy xuất khẩu, phát triển về quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa.../.
Lê Tuấn