Năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến làn sóng thu hút đầu tư tại Quảng Ninh, số lượt các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh chỉ đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng về thu hút đầu tư FDI của cả nước, với số vốn đăng ký là 48,35 triệu USD.
Để chặn sóng COVID-19, đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư FDI, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến; chủ động kết nối, mời gọi với các doanh nghiệp đầu tư FDI đã đầu tư thành công tại Việt Nam đến đầu tư tại địa phương…
Theo ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, để tạo điều kiện thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ động hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; không thu hút đầu tư các dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu. Đồng thời, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, tập trung vào các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường; các ngành công nghiệp sản xuất có giá trị gia tăng cao, công nghiệp điện, điện tử, vật liệu mới; sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững, nhằm tận dụng cơ hội ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,5-3 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 đạt 3-4,5 tỷ USD; vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 đạt 1,5-2 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2-3 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng trên 50% và đến năm 2030 tăng 100% so với năm 2018.
Theo ông Cao Tường Huy, để đạt được những mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung tăng cường chất lượng thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; bảo đảm quyền sở hữu, lợi ích gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền…
Quảng Ninh được đánh giá là hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI. Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng mức đầu tư đăng ký 24.109 tỷ đồng, tăng 55,5% so với năm 2019. Trong đó, có 28 dự án FDI với vốn đăng ký 526,2 triệu USD, tăng 84,5% so với năm 2019. Riêng tại các KKT, KCN trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh hiện có 5 KKT và 15 KCN.
Tính đến hết năm 2020, các KKT, KCN đã thu hút 24 dự án đầu tư mới và điều chỉnh trên 20 lượt dự án. Tổng vốn đầu tư thu hút đạt gần 30.000 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2019, chiếm khoảng 90% tổng vốn đầu tư thu hút của toàn tỉnh trong năm 2020. Riêng nguồn vốn thu hút FDI tại các KKT, KCN chiếm tới 99,4% tổng vốn FDI thu hút năm 2020 trên toàn tỉnh.
Theo ban quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh, luỹ kế từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút mới được 2 dự án FDI gồm: dự án nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam, có mức vốn 10 triệu USD và dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam do Công ty Singapore Lioncore Industries làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 30 triệu USD. Hiện còn 6 dự án mới đang được ban quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh tiến hành thẩm định và hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong quý I/2021.
Dự kiến tổng vốn đầu tư đăng ký của 6 dự án này là khoảng 4.000 tỷ đồng và 33 triệu USD. Các dự án này đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với định hướng chiến lược của tỉnh và sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Với những động thái mới trong thu hút đầu tư FDI, tỉnh Quảng Ninh đang dần cụ thể hóa chủ trương cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo Enternews