Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 12/01/2018 tỉnh này có 26.390/79.530 đơn vị sản xuất kinh doanh cá thể có đăng ký và hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh.
Chưa mặn mà chuyển đổi
Ông Cao Ngọc Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực tế trên địa bàn có nhiều hộ kinh doanh cá thể có hoạt động sản xuất kinh doanh rất tốt, không thua kém doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, các hộ này vẫn khá dè dặt khi đề cập đến việc chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp. Nguyên nhân được cho là hoạt động của hộ kinh doanh khá đơn giản, thuận tiện, giảm thiểu rất nhiều chi phí, không bị kiểm soát nhiều từ các cơ quan quản lý. Trong khi để phát triển thành doanh nghiệp, các hộ kinh doanh phải thực hiện rất nhiều bước như: Mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính, bảo hiểm lao động, thuế... Một lý do quan trọng dẫn đến nhiều hộ kinh doanh cá thể không mặn mà phát triển doanh nghiệp là để được hưởng chế độ thuế khoán thay vì nộp thuế doanh nghiệp.
Bà Trần Thị Hằng - hộ kinh doanh ăn uống tại TP Hạ Long chia sẻ, nếu đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ mất thời gian và chi phí. Vấn đề tuyển dụng, sa thải lao động hoặc giải thể doanh nghiệp cũng phải theo đúng quy định, trong khi với hộ kinh doanh cá thể thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hồ sơ, trình tự thủ tục thành lập đơn giản; lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp. Chỉ những hộ làm ăn lớn, có xuất nhập khẩu hàng hóa mới thành lập doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu về hóa đơn, chứng từ xuất nhập khẩu. Còn những hộ kinh doanh như chúng tôi vẫn thích hoạt động theo mô hình hộ cá thể để được hưởng thuế khoán và khỏi mất thời gian làm báo cáo thuế, xây dựng hệ thống kế toán.
Đồng quan điểm với bà Hằng, bà Trần Thị Oanh (một hộ kinh doanh tại chợ Hạ Long 1) cho biết, bà không có nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh mặc dù công việc kinh doanh của bà có nhiều điều kiện để mở rộng. Lý do được bà cho là đã quen với việc tự tổ chức, tự kiểm soát việc mua bán. Gia đình tôi theo nghề này đã mấy chục năm, chấp hành đúng mọi chủ trương chính sách của Nhà nước. Tôi buôn bán nhỏ, tự mình kiểm soát thu chi đã quen, không có nhu cầu phát triển hơn, lập doanh nghiệp chỉ thêm thủ tục, tốn tiền thuê kế toán… - bà Oanh nói.
Đây là những lo ngại được cho là thiếu cơ sở và là rào cản lớn cho sự phát triển của chính hộ kinh doanh cá thể cũng như cho nền kinh tế hiện nay.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Ngành Thuế đang tích cực cùng các cấp chính quyền hỗ trợ, đồng hành cùng người nộp thuế, động viên khuyến khích những hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp để tiếp tục phát triển lớn mạnh hơn. Cùng với đó là các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp, ông Tuấn cho biết thêm.
Tuy nhiên, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, việc vận động các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để các hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện thuận lợi thực hiện việc chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp.
Ngoài những cơ chế ưu đãi chung mà Nhà nước dành cho doanh nghiệp mới thành lập, Quảng Ninh còn có nhiều chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể là Quyết định 148/2018/NQ-HĐND ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại cơ quan đăng ký kinh doanh và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lần đầu tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho doanh nghiệp thành lập mới (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh). Hỗ trợ 100% chi phí 1 con dấu tròn của doanh nghiệp và chi phí đăng ký duy trì 1 chữ ký số trong 1 năm đầu thành lập nhưng không quá 2,25 triệu đồng/doanh nghiệp. Hỗ trợ 100% chi phí thực hiện các dịch vụ kế toán, kê khai, báo cáo và quyết toán thuế trong 1 năm đầu tiên nhưng không quá 2 triệu đồng/tháng cho DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm trước khi chuyển đổi.
Vấn đề mặt bằng sản xuất, kinh doanh, DNNVV có 100% vốn tư nhân trong nước được hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, thời gian hỗ trợ là 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng thông qua việc bù giá cho nhà đầu tư hạ tầng.
Theo số liệu thống kê của Sở KH&ĐT Quảng Ninh, tính đến hết tháng 4, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có trên 18.100 doanh nghiệp, vốn đăng ký trên 174.170 tỷ đồng. Kế hoạch phát triển doanh nghiệp năm 2019 là 3.940 doanh nghiệp, nhưng 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh mới có khoảng 700 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới, đạt 17,8% kế hoạch. Để đạt mục tiêu mỗi tháng tỉnh phải có 405 doanh nghiệp thành lập mới và 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020 là rất khó. Điều này đòi hỏi cần tiếp tục có sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương trong hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Theo enternews.vn