Thứ Sáu, 22/11/2024 06:08:11 GMT+7
Lượt xem: 1239

Tin đăng lúc 15-02-2021

Quảng Ninh: "Xanh hóa" vùng đất vàng đen

Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn đã chọn Quảng Ninh là bến đỗ tin cậy cho những kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Quảng Ninh: "Xanh hóa" vùng đất vàng đen
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tầm nhìn đến năm 2050.

Từng xếp vị trí thứ 58 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vào năm 2007, Quảng Ninh bứt phá đạt ngôi quán quân PCI và tiếp tục lập cú “hatrick” với 3 năm liên tiếp 2018, 2019, 2020 đứng đầu.

 

Thay đổi tư duy

 

Theo đánh giá của TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc chuyển mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh vào đầu thập niên 2010, đó là kết quả của một sự quyết chọn can đảm, đầy bản lĩnh, có tầm nhìn và rất khôn ngoan của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

 

Quảng Ninh có hai lợi thế phát triển, đều là trời cho và đều rất lớn. Một là mỏ than lộ thiên - “vàng đen” trữ lượng lớn. Hai là vịnh Hạ Long “đệ nhất thiên hạ” cùng với nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc khác. Điều trớ trêu là hai lợi thế phát triển hạng nhất đó lại đặt Quảng Ninh vào thế “lưỡng nan” khi phải lựa chọn mô hình phát triển truyền thống dựa chủ yếu vào than, giờ được gọi là “mô hình tăng trưởng nâu” hay vào khai thác tài nguyên du lịch, tức là mô hình tăng trưởng “xanh”?

 

Suốt hàng trăm năm, cho đến hết thập niên đầu của thế kỷ XXI, vì nhiều lý do, Quảng Ninh vẫn sống dựa chủ yếu vào việc đào than. Hàng mấy chục năm Quảng Ninh gánh vác sứ mệnh cung cấp than phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của cả nước. Nhưng khi tập trung khai thác lợi thế trời cho đó, Quảng Ninh vẫn không thể tiến vượt lên so với các địa phương khác. Còn người dân Quảng Ninh, với chủ lực là lực lượng công nhân đào than, cũng không thể làm giàu với mỏ “vàng đen” lộ thiên. 

 

Mà cái kết của câu chuyện đời vốn rất lâu và cũng chẳng mấy “hậu”. Dân không giàu, trình độ phát triển của tỉnh mãi không vượt thoát khỏi đẳng cấp “khai thác tài nguyên”, Quảng Ninh còn phải chịu một sự đánh đổi đắt giá là ô nhiễm môi trường ngày càng tăng; nguồn tài nguyên du lịch quý báu ở cấp độ toàn cầu bị lãng phí.


Việc chuyển mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh vào đầu thập niên 2010, vì thế, là kết cục tất yếu của sự trăn trở vật lộn kéo dài đó. Nhắc lại điều đó, ông Trần Đình Thiên nhận định: “đó là kết quả của một sự quyết chọn can đảm, đầy bản lĩnh, có tầm nhìn và rất khôn ngoan của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và sự chấp thuận kịp thời sáng suốt của T.Ư”. Bởi nếu lúc đó lãnh đạo Quảng Ninh vẫn không “quyết chọn”, chắc chân dung Quảng Ninh bây giờ khác xa Quảng Ninh như chúng ta đang thấy.

 

Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp là Quán quân trong bảng xếp hạng PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố.

 

Quảng Ninh đang ngày càng khẳng định được khát vọng lớn, tầm nhìn xa và những hành động thiết thực để đạt được mục tiêu đặt ra với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2025 đó là: phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực.

 

Và những nỗ lực không ngừng nghỉ

 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng đánh giá, những mô hình cải cách ở Quảng Ninh là những mô hình điểm của cả nước, địa phương này luôn đi đầu trong việc tiếp nhận làn sóng đầu tư mới của thế giới. Đặc biệt, Quảng Ninh đã và đang lan tỏa cái chất PCI đến cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước. Có thể nói, “3 đột phá chiến lược” với những hiệu quả rõ ràng về hạ tầng giao thông, cải cách hành chính, nguồn nhân lực... đã mang về “cú hatrick” quán quân PCI cho Quảng Ninh trong 3 năm qua.

 

Cũng cần phải nói thêm về “sáng kiến DDCI” cũng đã được Quảng Ninh triển khai và cộng hưởng sức mạnh với PCI để bước đầu phát huy thành công.

 

Trong 3 năm gần đây, tỉnh đã ký kết trên 27 thỏa thuận hợp tác quốc tế với các địa phương các nước và vùng lãnh thổ. 120 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký đạt trên 6,23 tỷ USD.

 

Không những vậy, những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn đã chọn Quảng Ninh là bến đỗ tin cậy cho những kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Sức hút của địa phương này không chỉ là vô vàn lợi thế về vị trí, tài nguyên, thiên nhiên mà còn là thái độ của lãnh đạo tỉnh, sự rõ ràng và minh bạch trong chính sách.

 

Theo khảo sát PCI 2020, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Quảng Ninh được đánh giá cao. 82% doanh nghiệp cho biết vướng mắc, khó khăn được tháo gỡ kịp thời và 93% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi, cách giải quyết của các cơ quan chính quyền tỉnh. Có 76% doanh nghiệp đánh giá thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định, 82% doanh nghiệp cho biết cán bộ thân thiện trong quá trình giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp và 87% doanh nghiệp đánh giá cán bộ giải quyết công việc hiệu quả.

 

Cách đây 3 năm, Quảng Ninh đã mời các công ty quy hoạch hàng đầu thế giới về làm quy hoạch hạ tầng, kinh tế... như McKinsey (Mỹ), Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering - NSC (Nhật Bản)... Điều này giúp định hình chân dung Quảng Ninh hiện đại, một bức chân dung thật sự có tầm nhìn, tích hợp và tổ hợp được các lợi thế phát triển, sự khác biệt và khát vọng vươn lên của Quảng Ninh. của Quảng Ninh, biến nó thành tầm nhìn phù hợp với xu thế thời đại. Từ đó, biết đặt ra bài toán phát triển đúng tầm, mang tính “thách thức tài năng” rất cao. Trên cơ sở đó, định hướng và lựa chọn đúng cách giải bài toán đó.

 

Nói như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký, Quảng Ninh sẽ tiếp tục xây dựng một hệ thống chính trị thực sự đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

 

Để Quảng Ninh ngày một “đổi màu” và để người đất mỏ xưa kia “… lại ghi thêm một chiến công” trên mảnh đất từng một thời cần lao, nơi mà nhịp sống xanh đang thấm đẫm tâm hồn những người đã sinh ra và gắn bó trọn đời với mảnh đất này.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang