Theo phản ánh của các Hiệp hội doanh nghiệp (DN) thì hiện nay, các DN đang gặp khó khăn bởi những quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành ban hành.
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng cho biết, để có được giấy phép hoạt động in, các DN cần phải đáp ứng được các tiêu chí như: Có mặt bằng để thực hiện chế bản, in, gia công sau in ngoài khu dân cư; có người đứng đầu là công dân Việt Nam có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in; giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự và giấy tờ thể hiện việc đáp ứng đủ điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định...
Ngoài ra, để được nhận làm chế bản, in gia công cho nước ngoài, phải xin cấp giấy phép riêng nhưng không nêu rõ điều kiện cụ thể. Người đến in cũng được yêu cầu phải nộp bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn.
Theo ông Dòng, với nhiều điều kiện kinh doanh và nhận in như trên đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho các DN ngành in, làm giảm sức cạnh tranh so với các DN nước ngoài trong quá trình hội nhập.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, không chỉ ngành In, nhiều DN ở các ngành nghề khác cũng đang đối mặt với những quy định về điều kiện kinh doanh rất khắt khe.
Đơn cử như điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo quy định DN phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, có ít nhất 1 cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ phù hợp quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành.
Hay như DN kinh doanh vận tải hành khách đường bộ phải có số lượng xe tối thiểu 20 chiếc (tại Hà Nội, TPHCM), 5 chiếc (vùng miền núi, khó khăn) và 10 chiếc đối với các vùng khác.
Ông Cung cho rằng những quy định như vậy đặt ra rào cản gia nhập thị trường, gây thiệt thòi cho các DN nhỏ, làm thui chột sáng tạo kinh doanh, loại bỏ những cách làm mới vì bị coi là vi phạm pháp luật.
Cũng theo ông Cung, hiện nay có tới 1.677 điều kiện kinh doanh được quy định tại các thông tư của các bộ, ngành đang làm khó DN. Trong khi đó, Luật Đầu tư năm 2014 quy định chỉ có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới được ban hành điều kiện kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Cung kỳ vọng Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây với những thay đổi sẽ tạo nên sự khác biệt.
Khi đó, quyền của DN được mở rộng hơn, bởi họ được quyền tự do kinh doanh tất cả những gì Luật không cấm. Luật này cũng cho phép DN được thiết kế cách thức quản trị của mình linh hoạt hơn nhằm giảm chi phí tuân thủ của DN.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực cũng giúp DN dễ dàng, linh hoạt hơn trong tổ chức, sắp xếp lại, sáp nhập, chia tách hay giải thể. Điều này sẽ làm cho môi trường kinh doanh minh bạch, "sạch sẽ" hơn.
Khi đó, theo ông Cung, tất cả các điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền đương nhiên hết hiệu lực thi hành.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ