Đó là thông điệp chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tại cuộc họp trực tuyến tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 trên phạm vi toàn quốc ngày 11/12/2015.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2015, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh trái phép, vi phạm an toàn thực phẩm, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến khá phức tạp. Ở các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ là tình trạng buôn bán trái phép chất ma túy, pháo nổ, rượu bia, mỹ phẩm, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng... Trên vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam xảy ra buôn lậu xăng dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu... Tại các cảng biển quốc tế xảy ra buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, động thực vật hoang dã... Tại các cửa khẩu hàng không và bưu điện quốc tế xảy ra buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm của động vật hoang dã, hàng hóa có giá trị kinh tế cao... Trong thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng...
Chỉ trong năm 2015 (tính đến ngày 15/11/2015), các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý tới 186.989 vụ vi phạm, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm 2014, khởi tố 1.123 vụ vi phạm tới mức xử lý hình sự với 1.281 đối tượng; số tiền thu nộp vào ngân sách sách Nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu do vi phạm, truy thu thuế... ước tính đạt trên 11.535 tỷ đồng (tăng 5,75% so với cùng kỳ năm 2014).
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều đánh giá, từ khi có Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả từ chủ trương đến chỉ đạo, điều hành, ban hành thể chế, đôn đốc, kiểm tra cũng như kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng, góp phần quan trọng ổn định an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh... được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Lực lượng chức năng bắt giữ mặt hàng sứ vệ sinh giả
Bàn về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho năm 2016, một số thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tỏ ra hết sức trăn trở trước diễn biến tình hình cũng như hiệu quả thực sự của công tác đấu tranh hiện nay. Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho rằng, có một thực tế là càng đẩy mạnh đấu tranh thì diễn biến tình hình lại càng phức tạp, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, số vụ bắt giữ, xử lý gia tăng. Buôn lậu nhiều vụ vẫn rất nghiêm trọng, đặc biệt là buôn bán hàng cấm, chất ma túy... Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tràn lan, người dân ăn gì cũng thấy lo lắng. Đây là một thách thức không nhỏ đối với quốc gia, thậm chí có thể làm xói mòn niềm tin vào công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại. Cần phải nghiên cứu đánh giá một cách thổng thể, thận trọng về bối cảnh, tình hình cũng như hiệu quả của các giải pháp đấu tranh hiện nay để bổ sung hoặc đưa ra các giải pháp đấu tranh mới có hiệu quả hơn.
Đại diện Bộ Quốc phòng đề xuất, trong thời gian tới cần phải phát huy cao nhất trách nhiệm của các Bộ, ngành chức năng, các địa phương. Chính phủ cần phát động phong trào vận động toàn dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Lực lượng chức năng cho dù có đông, tinh nhuệ mà không dựa vào dân thì hiệu quả đấu tranh cũng không cao. Cần nghiên sửa đổi, ban hành thể chế pháp luật thống nhất, bổ sung chế tài mạnh hơn để xử lý, đủ sức răn đe. Nâng cao năng lực và bản lĩnh chính trị cho các lực lượng trực tiếp đấu tranh thượng tôn pháp luật, không làm ngơ, không tiếp tay, không bao che, chống can thiệp vào việc xử lý các vụ vi phạm. Xây dựng quy chế phối hợp, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong công tác đấu tranh. Xem xét trách nhiệm các cấp, ngành, địa phương... hàng năm về công tác chống buôn lậu... và coi đây là một yếu tố khi cân nhắc bổ nhiệm cán bộ.
Theo đại diện Bộ Công an, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả... xuất phát từ quy luật cung - cầu. Công tác đấu tranh cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp triệt phá từ gốc rễ. Năm 2016, cần đẩy mạnh đấu tranh ở các tuyến, địa bàn trọng điểm tập trung xử lý các đối tượng đầu lậu, chủ mưu thì tình hình sẽ giảm.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, lưu thông hàng hóa, vốn đầu tư, nguồn nhân lực... tự do là yếu tố mà các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại..., nếu không ngăn chặn hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác hội nhập, uy tín quốc gia, bởi các đối tác rất quan ngại về gian lận xuất xứ hàng hóa, vi phạm ở hữu trí tuệ... Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngoài sự nỗ lực, quyết liệt từ cấp trung ương thì vai trò của các địa phương rất quan trọng. Bộ Công Thương đã phát động phong trào hộ kinh doanh ký cam kết không tiếp tay cho buôn lậu, không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng... nhưng đến nay mới chỉ 10% số hộ tham gia ký cam kết. Các địa phương cần hỗ trợ, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh tại địa bàn hưởng ứng phong trào này.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương; phân rõ trách nhiệm, quyền hạn cho địa phương toàn quyền chỉ đạo, lãnh đạo, xử lý công tác chống buôn lậu trên địa bàn và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác. Ngoài ra, cần có các giải pháp căn cơ thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của xã hội cũng như đảm bảo về chất lượng, phù hợp về giá cả thì tình trạng buôn lậu, hàng giả... cũng sẽ giảm.
Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cam kết sẽ tiếp tục hành động quyết liệt, hiệu quả nhất nhằm kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng chỉ đạo, từng bộ, ngành, địa phương... phải xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể, đồng bộ, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 41/2015/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ đạo của Ban 389 quốc gia, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ, ngành, địa phương mình... Trước mắt, phải quyết liệt ra quân thực hiện hiệu quả Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu và gian lận thương mại từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân - 2016. Lực lượng chức năng thuộc quân đội, công an, quản lý thị trường, hải quan... phải nghiêm túc, trong sạch, gương mẫu trong đấu tranh, không được tiếp tay, bao che cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung thể chế, sớm ban hành quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng; xem xét, nghiên cứu việc phát động phong trào vận động toàn dân tham gia chống buôn lậu và gian lận thương mại; đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục khẳng định không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử