Những cải cách điển hình
Trong nhiệm kỳ mới, kể từ khi bộ máy quản lý có sự thay đổi, Bộ Công Thương đã có nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Đầu tiên, trong khu vực quản lý doanh nghiệp (DN), ngay đầu nhiệm kỳ, Bộ Công Thương phải xử lý một loạt các dự án yếu kém. Việc này tạo áp lực tương đối nặng nề, nhưng cách xử lý của Bộ phù hợp với nguyên tắc thị trường khi không sử dụng tiền ngân sách nhà nước, không ưu đãi ưu tiên, từ đó tạo cơ hội và sức ép để các DN, các dự án đó tự khôi phục, nếu không sẽ cho giải thể. Cách tiếp cận này là hợp lý và không thể khác so với điều kiện hiện nay.
Thêm vào đó, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giảm chi phí và tạo thuận lợi cho DN. Bộ Công Thương đang quản lý nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh rộng lớn, nhiều quy định không còn phù hợp, gây cản trở cho hoạt động của DN. Có những quy định DN đã phát hiện nhiều năm, nói nhiều lần ở nhiều nơi, nhưng chưa được giải quyết, như quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may, dán nhãn năng lượng, khai báo hóa chất… Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giải quyết những vướng mắc này ngay trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ, được dư luận đánh giá rất cao. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã đi đầu trong cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành với 675 điều kiện được cắt giảm, chiếm trên 55% tổng số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh theo hướng rút gọn được Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành ngay trong những tháng đầu năm 2018 chính là Nghị định đầu tiên và chắc chắn sẽ tạo bước phát triển đột biến theo hướng tạo thuận lợi cho các ngành nghề kinh doanh, thị trường, DN… mà Bộ Công Thương đang quản lý.
Doanh nghiệp dệt may hưởng lợi khi quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt được bãi bỏ
Một điểm nữa, Bộ Công Thương đã thành công trong công tác cổ phần hóa, đặc biệt là thương vụ đấu giá thành công cổ phần nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Có thể khẳng định, đây là thương vụ thành công nhất trong việc cổ phần hóa cho đến nay tại Việt Nam. Thành công ở chỗ không chỉ thu về được một khoản lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn là bằng chứng cho thấy tiềm năng của khu vực DN nhà nước rất lớn; giá trị của các DN nhà nước rất cao, nếu chúng ta biết cách cải thiện quản trị, thay đổi phương thức quản lý và tìm thời điểm thích hợp để cổ phần hóa thì sẽ khai thác được rất lớn giá trị tài sản.
Tóm lại, trong nhiệm kỳ này, Bộ Công Thương đã bước đầu có những thay đổi rất lớn, có sự sáng tạo, chủ động trong cải cách, hướng đến mục tiêu phục vụ, tạo điều kiện cho DN giải quyết rào cản và khai thác tốt hơn những nguồn lực hiện có. Những hoạt động đó chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào thành công trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ.
Kỳ vọng bước tiến mới
Thời gian tới, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2018 - 2020, kinh tế thế giới được nhận định là tương đối thuận lợi, tuy không tránh khỏi những điểm có khả năng gây bất lợi trong hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, xu hướng cải cách đang giải quyết tương đối hệ thống những vấn đề mang tính nền tảng của thể chế và môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, sự chuyển động không chỉ từ Chính phủ mà còn đến từ các bộ, ngành theo hướng tích cực. Bộ Công Thương đang được đánh giá tốt trong lĩnh vực này và các địa phương cũng bắt đầu chủ động cải cách theo xu hướng đó. Năm 2018, sự phát triển kinh tế - xã hội dự kiến sẽ tương đối khả quan. Chỉ tiêu GDP tăng trưởng 6,5 - 6,7% chắc chắn đạt được, kinh tế vĩ mô ổn định.
Hy vọng trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ thực hiện tốt hơn nữa cải thiện điều kiện kinh doanh. Bởi lẽ, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh vừa qua mới chỉ là bước đầu, mới sửa đổi trên văn bản, cần theo dõi và triển khai thực hiện. Đồng thời rà soát để một mặt tiếp tục cắt giảm các điều kiện không cần thiết, tránh làm phát sinh các điều kiện kinh doanh mới. Quan trọng hơn là thay đổi thái độ, cách thức làm việc của lực lượng công chức toàn ngành Công Thương. Toàn bộ hệ thống phải chuyển động và thay đổi. Từ đó mới phát huy được những đột phá bước đầu, góp phần vào thành công chung của đất nước.
Nguồn Báo Công Thương