Thứ Ba, 26/11/2024 01:04:50 GMT+7
Lượt xem: 1206

Tin đăng lúc 18-08-2018

Rủi ro nguồn phế liệu nhập khẩu

Việc nhập phế liệu về để sản xuất chưa bao giờ là giải pháp căn cơ cho các doanh nghiệp ngành nhựa, giấy, thép. Những rủi ro mà DN đang gặp phải khi "kẹt" thông quan hàng loạt container phế liệu nhập chính là lúc cần nhìn lại để tránh phụ thuộc phế liệu nhập, chủ động nguồn nguyên liệu phù hợp với bảo vệ môi trường, vì sự sống còn của chính mình.
Rủi ro nguồn phế liệu nhập khẩu
Ảnh minh họa

Mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có văn bản gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) kiến nghị các cơ quan nhà nước tiếp tục xem xét gia hạn và cấp mới giấy phép nhập khẩu (NK) sắt thép vụn (thép phế liệu) đảm bảo điều kiện môi trường làm nguyên liệu sản xuất.

 

VSA thừa nhận rằng do nguồn cung cấp sắt thép vụn gom ở trong nước chỉ đạt gần 40% nhu cầu nên các doanh nghiệp (DN) phải sử dụng 60% nguyên liệu sắt thép vụn NK để đáp ứng đủ cho sản xuất.

 

Nguy cơ thành "bãi rác"

 

Phế liệu sắt thép NK nằm trong nhóm mặt hàng cần kiểm soát hiện nay. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong nửa đầu năm 2018, việc tăng NK mặt hàng này là rất đáng chú ý, với kim ngạch nhập ước đến 890 triệu USD, tăng 52,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Xét về lượng, sắt thép NK đã lên tới gần 2,5 triệu tấn, tăng gần 83% so nửa đầu năm 2017. Ước tính trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam NK khoảng hơn 18 triệu tấn thép vụn.

 

Theo giới chuyên gia, nếu không có giải pháp hiệu quả, từ nay đến hết năm, kim ngạch NK sắt thép phế liệu có thể sẽ lên tới 1,5 – 1,7 tỷ USD. Để đáp ứng sản xuất, từ nay đến năm 2020, các DN sản xuất thép Việt Nam sẽ cần NK khoảng 19 triệu tấn sắt thép phế liệu.

 

Không chỉ ngành thép Việt, ngay như các ngành nhựa và giấy cũng đang phụ thuộc lớn vào nguồn phế liệu nhập để phục vụ cho sản xuất.

 

Tại cuộc họp ở Tp.HCM hôm 14/8 liên quan đến chủ trương siết NK phế liệu, nhiều DN trong Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã thừa nhận rằng họ "khát" nguồn nhựa phế liệu nhập và đang chịu nhiều thiệt hại nặng nề, thậm chí có thể phá sản khi số lượng lớn container phế liệu nhựa đang tồn ở cảng không thể thông quan.

 

Có thể nói ngành nhựa là ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập (chiếm đến 80%, dĩ nhiên trong đó có nguồn phế liệu nhựa NK), nhưng điều này cũng tạo ra nhiều rủi ro lớn cho chính các DN ngành này.

 

Như tính toán của một chủ DN chuyên xuất khẩu nhựa tái chế, công ty của ông có thể sẽ bị thiệt hại 10 triệu USD do phải đền hợp đồng vì thiếu hụt nguồn phế liệu nhựa NK.

 

Ở ngành giấy, nhiều DN trong nước thời gian qua cũng gia tăng NK giấy phế liệu để làm nguồn nguyên liệu chính. Các DN này cũng đang đối mặt nhiều khó khăn, phát sinh nhiều chi phí tốn kém khi các lô hàng giấy phế liệu NK đang kẹt tại cảng vì vướng các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của Tổng cục Hải quan từ tháng 6/2018 với mục đích bảo vệ môi trường.

 

Khó lường rủi ro

 

Ở một diễn biến khác, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động NK phế liệu. Trong đó có lưu ý các tập đoàn, tổng công ty, DN trực thuộc bộ (được cơ quan có thẩm quyền của Bộ TN&MT cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) phải tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về NK, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và xử lý môi trường.

 

Về phía Tổng cục Hải quan, số liệu thống kê cho thấy chỉ tính riêng khối lượng nhựa phế liệu NK trong 5 tháng đầu năm 2018 đã tăng đến 200% so với cả năm 2017.

 

Đáng chú ý, nhiều lô hàng phế liệu NK không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên DN không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan Hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu NK đang tồn đọng tại các cảng.

 

Cụ thể, số lượng container phế liệu đang tồn đọng tại cảng Hải Phòng và Cát Lái (Tp. HCM) lên khoảng 5.000 chiếc. Số container tồn tại Cát Lái tính đến ngày 25/7 là 3.579 container. Tại Hải Phòng, tính đến 5/7, tổng số container phế liệu còn tồn là 1.495 container, trong đó 1.342 container phế liệu nhựa.

 

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục siết chặt việc NK phế liệu và sẽ cương quyết yêu cầu phải tái xuất đối với các container phế liệu NK trái phép.

 

Trước tình hình này, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, DN kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong NK phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu.

 

Quan sát những khó khăn mà các DN trong ngành thép, nhựa, giấy đang kêu cứu khi "kẹt" nguồn phế liệu nhập, nhiều ý kiến bày tỏ rằng việc siết chặt kiểm tra chất lượng hàng phế liệu NK vẫn là điều cần làm để tránh việc biến Việt Nam thành "bãi rác" của thế giới.

 

Nhìn vào việc phụ thuộc nguồn phế liệu nhập của các ngành nghề này sẽ thấy rằng điểm yếu của nhiều DN Việt là vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu phù hợp với bảo vệ môi trường trong khi nguồn nguyên liệu trong nước chưa đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

 

Việc các DN chủ quan dựa vào nguồn phế liệu nhập mà chưa có kế hoạch gắn sản xuất với xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước lâu dài chắc chắn sẽ mang lại những rủi ro khó lường cho chính DN.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang