Công nhân Công ty Điện lực Lai Châu (Tổng Công Điện lực miền Bắc) tuyên truyền sử dụng điện an toàn và tiết kiệm cho bà con dân tộc Thái ở huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Cho rằng, Biểu giá điện sinh hoạt có nhiều (6) bậc thang đã gây phức tạp trong việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện của người sử dụng, lượng điện sử dụng càng nhiều áp ở mức giá càng cao là ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường là càng mua nhiều càng rẻ; do có nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số công tơ dễ gây sai sót khi tính toán số lượng tiền điện thanh toán..nên có nhiều ý kiến chưa đồng thuận từ khách hàng sử dụng điện.
EVN dự kiến cải tiến, sắp xếp lại biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 phương án. Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Ở phương án này, biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với sản lượng điện sử dụng ngày càng cao sẽ ứng với mức giá điện ngày càng cao hơn nên khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhất là đối với điện là sản phẩm đặc biệt sử dụng tài nguyên làm nhiên liệu đầu vào. Bên cạnh việc hỗ trợ tiền điện 30.000đ/tháng từ ngân sách đối với hộ nghèo còn bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ từ ngân sách đối với hộ chính sách xã hội (không thuộc hộ nghèo) sử dụng không quá 50kWh/tháng. Hộ chính sách xã hội sử dụng trên 50kWh/tháng sẽ không được hỗ trợ. Tuy nhiên, biểu giá sinh hoạt có nhiều (6) bậc thang đã gây phức tạp trong công việc thanh toán tiền điện với khách hàng. Mặt khác, khi có sự thay đổi về giá bán điện thực hiện quy định nội suy lượng điện tính theo giá cũ, giá mới cũng có nhiều ý kiến không đồng thuận từ khách hàng sử dụng điện. Đặc biệt, khi vào mùa nắng nóng (tháng 5, 6), các hộ dùng điện sinh hoạt nhiều hơn sẽ phải trả tiền với mức giá cao hơn hoặc tối thiểu là cao bằng mức giá cao nhất mà tháng trước phải thanh toán.
Đơn cử, nếu tháng trước khách hàng sử dụng 250kWh, tiền điện phải thanh toán là 485.705 đồng, mức giá cao nhất trong hóa đơn là 50kWh ở bậc thang 4 (2.242đ/kWh); tháng sau, khách hàng đó sử dụng 350kWh thì tiền điện sẽ phải thanh toán là 746.680 đồng, trong khi lượng điện sử dụng chỉ tăng 100kWh vì có 50kWh có giá cùng ở bậc thang 2 (2.242đ/kWh) và 50kWh tiếp theo chuyển sang bậc thang 5 có giá cao hơn (2.503đ/kWh). Như vậy, khách hàng chỉ sử dụng tăng 100kWh/tháng (tăng 40%) nhưng tiền điện thanh toán tăng 260.975đ (53,7%). Tương tự như vậy, nếu một hộ tháng trước sử dụng 200kWh nhưng tiền điện thanh toán tăng 144% là do 200kWh tăng lên có giá ở bậc thang 4 và 5.
Phương án 2 EVN đưa ra là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá). Với một mức, biểu giá điện sinh hoạt là 1.747đ/kWh. Đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.
Đối với phương án đồng giá, các hộ sử dụng dưới 240kWh/tháng sẽ bị tác động tăng tiền điện phải trả hàng tháng, trong đó, mức tác động thay đổi theo mức dộ sử dụng điện của các hộ, hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng 100kWh/tháng, sau đó, mức tăng giảm dần và điểm hòa không bị tác động là sử dụng từ 240,3kWh/tháng. Các hộ sử dụng trên 240kWh/tháng là các hộ được hưởng lợi. Điều này sẽ trở thành nghịch lý với chủ trương của Đảng và Nhà nước khi thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân vùng sâu vùng xa. Chỉ riêng địa bàn 27 tỉnh miền Bắc do Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc quản lý đã có tới 30% hộ sử dụng dưới 240kWh/tháng. Thực hiện phương án đồng giá tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể. Hơn nữa, áp lực tiết kiệm điện ở phương án đồng giá không cao.
Phương án 3 là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 bậc hoặc 4 bậc. Với số kWh ở mỗi bậc thang đều có kịch bản tương ứng: Kịch bản 1: 50kWh- 250kWh-trên 300kWh; kịch bản 2 là 100kWh-200kWh-trên 300kWh; kịch bản 3 là 150kWh-150kWh- trên 300kWh; kịch bản 4 là 200kWh-200kWh-trên 400kWh và kịch bản 5 là 500kWh-150kWh-200kWh và trên 400kWh. Trong cả 5 kịch bản, thì đều phải xem xét kỹ lưỡng khi điều chính giá điện đối với nhóm là hộ nghèo.
Với phương án 3, sẽ tác động đến thanh toán tiền điện với số kWh ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện. Khi rút gọn còn 3 hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại vẫn còn hiện hữu. Với phương án rút gọn biểu giá về 3 bậc thang (kịch bản 2), các hộ sử dụng 50kWh và 100kWh/tháng bị tác động không đáng kể. Thực hiện phương án này, những hộ bị tác động tăng giá điện chủ yếu là những hộ gia đình sử dụng điện trung bình từ 107kWh/tháng đến 233,88kWh/tháng.
Với phương án rút gọn biểu giá về 4 bậc thang (kịch bản 5), các hộ sử dụng đến 50kWh/tháng không bị tác động. Các hộ bị tác động tăng tiền điện sử dụng ở các mức từ trên 50kWh-100kWh và 300kWh/tháng.
Vấn đề là với các phương án rút gọn biểu giá bậc thang chỉ là cách tổng hợp lại các hộ sử dụng điện sinh hoạt bù trừ khoản tăng lên hay giảm đi giữa các hộ nhưng doanh thu của bên bán điện sinh hoạt không thay đổi.
Theo Thanh Mai/Icon.com.vn