Sự kiện có quy mô trưng bày gần 30.000 m2 với hơn 1.000 nhà triển lãm quốc tế và Việt Nam tham dự. SaigonTex & SaigonFabric 2024 sẽ tập trung các thương hiệu về máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế uy tín danh tiếng, cũng như đa dạng nguyên liệu dệt và vải vóc.
SaigonTex & SaigonFabric 2024 thu hút các nhà triển lãm đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia như Bỉ, Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Singapore, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Uzbekistan, Việt Nam.
Về nguyên liệu dệt, vải & phụ liệu may mặc có sự tham gia của các doanh nghiệp và thương hiệu như: Amann, Brotex, Continental, Dalat Worsted Spinning, Daluen, Double Wins, Eastman, Faslink, Freetex, Junzu, Sansin, Grand Textile, Hanh Viet, Hong Viet (Hong Yue)…
Tại đây còn có các cụm gian hàng chính thức từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc (Tỉnh Giang Tô và Thành phố Nam Thông), gian hàng của Phòng Thương mại Uzbekistan, gian hàng từ Đài Loan (TTF), gian hàng quốc gia chính thức từ Hàn Quốc (Kofoti, Kotmi), gian hàng của Thổ Nhĩ Kỳ và gian hàng chính thức Việt Nam (VITAS), VINATEX, AGTEK).
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, triển lãm đặt ra các mục tiêu giải pháp có tính then chốt, đó là giải quyết vấn đề liên quan đến thiếu hụt nguồn cung. Triển lãm với sự tham dự của những nhà sản xuất nguyên phụ liệu toàn cầu và đưa thông tin cho các nhà mua hàng của ngành dệt may Việt Nam. Đây là một trong những cơ hội lớn để các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với nguồn cung bị thiếu hụt, đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thêm thông tin về diễn biến của thị trường, về nguyên phụ liệu, về những yêu cầu của các nhãn hàng và xu hướng dệt may thế giới. về những thách thức cũng như cơ hội của ngành dệt may toàn cầu. Ngược lại, qua triển lãm, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu các nước lớn có thể nhìn thấy tiềm năng phát triển ngành để đầu tư và phát triển sản xuất ở Việt Nam. Điều này, không chỉ giúp dệt may Việt Nam tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh mà còn đáp ứng quy tắc xuất xứ để được nhận ưu đãi thuế quan xuất khẩu thấp hoặc miễn thuế ở các thị trường có ký kết Hiệp định FTA.
Cùng với phần triển lãm, Ban tổ chức SaigonTex & SaigonFabric 2024 còn tổ chức nhiều sự kiện dành cho khách hàng như 7 chuyên đề: (1) Vải denim/ jean; (2) Vải từ sợi nhuộm; (3) Vải in; (4) Các loại vải tái chế; (5) Vải chức năng/thể thao; (6) Nguyên liệu cho thời trang nữ; và (7) Phụ liệu may (Chỉ, nút, ren, khóa kéo…).
Bên cạnh đó là các buổi hội thảo chuyên đề nhằm chia sẻ và cung cấp những kinh nghiệm của các chuyên gia về chính sách, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh, ứng dụng trong ngành công nghiệp dệt may. Đặc biệt là chuyên mục kết nối doanh nghiệp do VITAS chủ trì tổ chức nhằm kết nối các nhà triển lãm và người mua hàng với nhau.
Minh Anh