Năm 2023 đánh dấu cột mốc 15 năm Samsung thực hiện kế hoạch đại đầu tư tại Việt Nam và cũng là 10 năm thành lập nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT).
Từ bước ngoặt lớn mang tên SEVT
Trong lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập nhà máy SEVT được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, đã kể về bước chân đầu tiên trên hành trình của SEVT: "10 năm trước, trên chặng đường tìm kiếm lối rẽ quyết định cho nhà máy sản xuất thiết bị di động thứ hai ở Việt Nam, sau nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung đã quyết định chọn Thái Nguyên là địa điểm dừng chân".
Sau quyết định ấy, là những ngày nhanh chóng làm thủ tục đầu tư, để rồi ngày 27/3/2013, SEVT được khởi công xây dựng, với vốn đầu tư ban đầu là 2 tỷ USD. Đúng một năm sau đó, tháng 3/2014, nhà máy chính thức đi vào hoạt động, đồng thời quyết định đầu tư thêm 3 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư lên 5 tỷ USD. Và kể từ đó, hành trình lập kỳ tích đã bắt đầu.
Chỉ sau 20 ngày đầu tiên đi vào hoạt động, SEVT đã xuất khẩu 90 triệu USD, một con số không tưởng, chưa từng có trong lịch sử của Samsung Mobile toàn cầu. Chỉ trong năm đầu tiên, con số đã vọt lên 8 tỷ USD. Và cho đến nay, sau 10 năm thành lập, 925 triệu điện thoại đã được xuất xưởng tại SEVT, một con số đáng mơ ước của bất kỳ nhà máy nào trên thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm.
10 năm với biết bao dấu ấn. Nhưng quan trọng hơn kết, SEVT đã tạo cơ hội việc làm cho 150.000 người, trong đó hơn 79.000 nhân viên tới từ Thái Nguyên, chiếm 52,6%, bao gồm cả người ở các dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Lũy kế trong 10 năm, SEVT đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 24.300 tỷ đồng…
Vì những đóng góp to lớn ấy, đúng dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, SEVT đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao tặng SEVT phần thưởng cao quý này. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đã trao tặng SEVT Cờ thi đua. Một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nỗ lực phi thường của cán bộ, nhân viên SEVT.
Còn ông Park Sung Ho, Tổng Giám đốc SEVT đã chia sẻ đầy tự hào: "Nhìn lại chặng đường 10 năm đã đi qua với bao dấu ấn, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về những gì đã làm được và vững tin về tương lai phía trước. Bằng sự đồng lòng của ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thử thách. Mỗi chúng ta có thể đều rất bình thường, nhưng sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ tạo nên những điều phi thường".
Đến những điều kỳ diệu trên hành trình Samsung đồng hành cùng Việt Nam
Vào tháng 3/2008, Samsung nhận giấy chứng nhận đầu tư và bắt đầu khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam - Samsung Electronics Việt Nam (SEV) ở Bắc Ninh. Ban đầu, dự án chỉ có vốn đầu tư 670 triệu USD, nhưng rồi rất nhanh sau đó, liên tục được tăng vốn đầu tư, lên 1,5 tỷ USD, rồi lên 2,5 tỷ USD, gấp gần 4 lần so với vốn đầu tư ban đầu.
Hình ảnh nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)
Nhưng không chỉ có vậy, cùng thời điểm dồn dập đầu tư tại Bắc Ninh, Samsung còn tiếp tục mở rộng, đầu tư thêm tại nhiều địa phương khác ở Việt Nam mà Thái Nguyên chính là ví dụ điển hình. TP.HCM cũng vậy, nơi đây có nhà máy Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) sản xuất thiết bị gia dụng thuộc diện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Không chỉ là các nhà máy thuộc Samsung Điện tử, mà Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) ở Thái Nguyên, hay Samsung Display Việt Nam (SDV) ở Bắc Ninh, toàn với quy mô vốn "khủng" và cũng không ngừng tăng vốn đầu tư.
Tốc độ tăng vốn nhanh đến mức, ở những năm tháng đầu tiên, ngay cả những người Samsung lạc quan nhất cũng không thể ngờ rằng, sau 15 năm, quy mô vốn đầu tư của tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới tại Việt Nam đã lên tới 20 tỷ USD, gấp gần 30 lần so với thời điểm đầu tiên.
Đại kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam đang ngày càng được tô điểm thêm những nét vẽ rực rỡ. Cùng với việc tăng quy mô đầu tư, những đóng góp của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam cũng không ngừng gia tăng.
Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, Samsung đã đóng góp trên 306 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Trong đó, riêng năm 2022, bất chấp những tác động của đại dịch Covid-19, con số đạt được vẫn lên tới 65 tỷ USD, góp phần quan trọng đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt ngưỡng 700 tỷ USD, đạt hơn 732 tỷ USD. Hơn thế, giữa lúc kinh tế Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, những gì mà Samsung làm được, đã góp phần quan trọng tạo động lực để nền kinh tế "vượt bão" thành công.
Quan trọng hơn, sau sự xuất hiện của Samsung, là hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà sản xuất vệ tinh cho tập đoàn này đã vào Việt Nam, với quy mô vốn lên tới hàng tỷ USD, và tất nhiên, kéo theo đó, sẽ là cơ hội việc làm, là thu nhập của người lao động, là các khoản đóng góp cho ngân sách nhà nước. Không những thế, "cú hích" Samsung cũng đã đưa hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn tới Việt Nam thiết lập cứ điểm sản xuất toàn cầu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Lao động hạng Ba cho SEVT
Chính bởi lẽ đó, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đã từng nói rằng, với Samsung, nên đặt họ ở vị trí như một đối tác chiến lược quốc gia, với hàm ý rằng, sự xuất hiện của Samsung sẽ không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất, mà quan trọng hơn, tạo ra các trục ngành kinh tế và "kéo" Việt Nam lên một bước phát triển cao hơn.
Mà đúng như thế, trước khi Samsung đến, không ai nghĩ rằng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất thiết bị di động và điện tử lớn hàng đầu thế giới hiện nay. Không riêng Samsung từng bước biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu và kéo Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, mà nhiều "ông lớn" công nghệ khác, như LG, như Apple, như Intel… cũng vậy! Họ đã cùng với Samsung ngày càng đầu tư nhiều hơn và cũng đóng góp nhiều hơn cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
Ngoài ra, Samsung còn đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và góp phần không nhỏ phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Hiện tại, số lượng nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung đã tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.
Đặc biệt, sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung không chỉ góp phần quan trọng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà giờ đây, còn đang bắt đầu "kéo" Việt Nam vào "sân chơi" R&D toàn cầu thông qua việc khánh thành Trung tâm R&D, quy mô 220 triệu USD tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội).
Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam đang coi đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế và đang nỗ lực xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, với kỳ vọng sẽ biến nơi đây thành "cái nôi" nghiên cứu, sáng tạo của khu vực và thế giới…
Cơ hội để Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu vì thế sẽ cao hơn nữa, nhất là khi chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhà máy SEMV sẽ sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn. Dù mới chỉ là sản xuất linh kiện bán dẫn, nhưng đây vẫn sẽ là "bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu khép kín 'chuỗi sản xuất' trong lĩnh vực điện tử của Tập đoàn tại Việt Nam", như lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đã từ lâu, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn mong muốn Samsung tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh, mở rộng sang lĩnh vực bán dẫn; coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng nhất, chiến lược toàn cầu, toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế…
Như người đứng đầu Tổ hợp Samsung Việt Nam từng chia sẻ: "Thành công của Samsung chính là thành công của Việt Nam", rất nhiều lãnh đạo Việt Nam đã từng nói như vậy. Samsung sẽ nỗ lực hết mình để trở thành doanh nghiệp cùng đồng hành với Việt Nam, doanh nghiệp quốc dân nhận được tình cảm yêu mến của người dân Việt Nam".
Một chặng đường phát triển mới tại Việt Nam đang mở ra với Samsung. Chắc hẳn, sẽ còn có các hoạt động chiến lược khác được Samsung đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới đây. Và rất có thể, chúng ta sẽ lại được chứng kiến thêm những kỳ tích mới.
Theo baochinhphu.vn