Nhà máy Samsung Bắc Ninh (Samsung Electronics Việt Nam (SEV) được cấp phép đầu tư năm 2008. Đây là Nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động đặt tại KCN Yên Phong 1, Yên Phong, Bắc Ninh. Tổng vốn đầu tư: 2,5 tỷ USD, trên diện tích 110 ha. Đến nay, Samsung Bắc Ninh có khoảng trên 40.000 lao động và đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của Hàn Quốc cũng như Việt Nam.
Nói về quyết định lịch sử của Samsung khi chọn Bắc Ninh là nơi đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và điện thoại đầu tiên vào năm 2008, ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: “Quay lại thời điểm 14 năm về trước, khi Samsung lựa chọn Bắc Ninh để xây dựng nhà máy đầu tiên, chúng tôi đã nghiên cứu và đánh giá về các yếu tố chính trị, kinh tế, con người cùng vị trí địa lý nơi đây. Theo đó, Bắc Ninh đã đáp ứng được tốt toàn bộ những yêu cầu đó. Đặc biệt, thành công của Samsung Việt Nam ngày hôm nay luôn có sự quan tâm và hỗ trợ hết mình của Ban lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi đánh giá cao sự sẵn sàng của Ban lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương trong việc giúp đỡ các nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh và đặc biệt là sự đồng hành để cùng nhau vượt qua khủng hoảng trong đại dịch Covid-19 vừa qua...”.
Có thể nói, trong suốt 14 năm qua, Samsung Việt Nam đã góp phần mang lại sự thay đổi ngoạn mục tại Bắc Ninh. Nếu như năm 2005, quy mô GRDP của Bắc Ninh là 1.504 tỷ đồng, năm 2010 con số này tăng lên 16.685 tỷ đồng thì đến năm 2021, quy mô GRDP đã tăng lên hơn 227.000 tỷ đồng, xếp thứ 8 về quy mô trong số 63 tỉnh. Trong khi diện tích Bắc Ninh là nhỏ nhất, dân số chỉ khoảng 1,4 triệu người. Thu nhập bình quân của người Bắc Ninh đã vượt 6.700 USD, đứng thứ 4 cả nước. Nếu xét về quy mô CN, quy mô GRDP, thu nhập bình quân đầu người, Bắc Ninh được xem là một trong những tỉnh phát triển mạnh nhất của kinh tế Việt Nam. Bất chấp dịch Covid-19, giá trị sản xuất CN năm 2021 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ nhất cả nước, vượt thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó tỷ trọng ngành CN điện tử đã tăng lên 79,3%.
Sự đầu tư, phát triển sản xuất của Samsung trong 14 năm qua còn kéo theo nhiều doanh nghiệp (DN) vệ tinh cùng đến đầu tư, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa và đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng thu hút FDI và cứ điểm ngành CN điện tử của Việt Nam. Không dừng lại ở đó, để gia tăng nội lực phát triển của tỉnh Bắc Ninh, Samsung chủ động triển khai các chương trình phát triển DN địa phương hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh.
Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết thêm: “Nhìn trên quan điểm phát triển chiến lược, chúng tôi mong muốn tỉnh Bắc Ninh sẽ phát triển hệ sinh thái các nhà cung ứng nội địa đáp ứng tốt hơn nhu cầu về linh, phụ kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài…”.
Cũng bởi vậy, mới đây nhất, Samsung đã tham gia ký kết biên bản hợp tác 3 bên giữa Bộ Công Thương, tỉnh Bắc Ninh và Samsung để hỗ trợ tư vấn cải tiến cho các DN địa phương, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh để các DN tiềm năng có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện điện tử không chỉ cho Samsung mà còn nhiều công ty đa quốc gia khác.
Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh)
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay, ngành điện tử và linh kiện đang là một điểm sáng trong nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Samsung Việt Nam tại Bắc Ninh. Sau gần 14 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện nay, Samsung có tổng 6 nhà máy ở nhiều tỉnh thành cả nước và một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội. Bên cạnh đó, số lượng DN cung ứng cấp 1 của Samsung đã có sự gia tăng mạnh mẽ. Tính đến hết năm 2021, có trên 50 DN cấp I và hơn 190 DN cấp II; Sản phẩm linh kiện điện tử vừa cung ứng rộng khắp tại Việt Nam vừa xuất khẩu quốc tế.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Ninh, tỉnh đã xác định, đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền CN hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Định hướng đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố CN công nghệ cao, thông minh. Với mục tiêu lớn này, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu tốc độ phát triển ngành CN bình quân giai đoạn đạt 7-8%/năm giai đoạn 2020-2025, tỷ trọng ngành CN vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu GRDP. Liên quan đến các ngành CN trọng điểm ưu tiên phát triển, tỉnh Bắc Ninh chú trọng lĩnh vực CNHT. Cụ thể, là các ngành chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử; linh kiện và thiết bị điện. Trong đó, ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử CN, điện tử viễn thông, máy tính thương hiệu Việt Nam, điện thoại di động, linh kiện điện tử phục vụ sản xuất và xuất khẩu; gia công lắp ráp các chi tiết linh kiện điện tử, cơ khí có thể vào được khu vực nông thôn (thông qua chương trình khuyến công, chương trình phát triển CNHT).
Với tiềm năng phát triển lớn mạnh về CNHT như vậy tại quê hương Kinh Bắc, đặc biệt là lĩnh vực phụ trợ về linh kiện điện tử - một thế mạnh của Samsung, tin tưởng rằng, Samsung Electronics Việt Nam sẽ còn tiến xa trong thời gian tới.
Hà Đăng