Ở nước ta, làng nghề truyền thống có từ lâu đời, rất đa dạng như các làng nghề sản xuất mây tre đan, chạm khắc đá, vàng bạc, đúc đồng, gốm sứ, đồ gỗ, sơn mài, hay sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ… Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nước ta có hơn 1.600 làng nghề được công nhận, khoảng 3.000 làng có nghề, tạo việc làm cho hơn 11 triệu lao động, thu nhập bình quân của các làng nghề cao hơn so với lao động thuần nông. Thực tế cho thấy, gần đây các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.
Theo ông Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, việc sản xuất tại các làng nghề đứng trước những cơ hội mới cũng như thách thức mới. Đó là sự cạnh tranh rất khốc liệt về mọi mặt từ mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm, đến nguồn gốc xuất xứ… Để có thể tồn tại và phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề cần giải quyết rất nhiều vấn đề để tiếp cận thị trường.
Việc thiếu thông tin, hoặc cập nhật thông tin còn chậm, nên, sản phẩm tiếp cận thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ càng gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó, đa số hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất theo mẫu cũ, ít cải tiến, sáng tạo mới không còn hấp dẫn đối với khách hàng. Việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức. Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác như: Do nền kinh tế thế giới suy thoái, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ và xuất khẩu của các làng nghề. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh tự do hóa thương mại, cạnh tranh về thị trường tiêu thụ của các sản phẩm làng nghề ngày càng quyết liệt trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm vẫn luôn là bài toán khó của các làng nghề hiện nay, bởi lẽ, chúng ta chỉ phát triển làng nghề theo số lượng, chưa đầu tư nhiều về chất lượng, các mẫu mã sản phẩm làng nghề vẫn đi theo đường mòn, sao chép của nhau. Sản phẩm làm ra chưa có nét riêng biệt, không có sự đầu tư, không mang đậm dấu ấn của làng nghề, nên khả năng cạnh tranh ở các làng nghề chưa cao.
Cũng như bao làng nghề trên cả nước, làng nghề gỗ Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là một trong những làng nghề nổi tiếng, bởi nơi đây vẫn giữ gìn được nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ gỗ, có khoảng trên 300 năm. Chị Lê Thị Thảo – Thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh chia sẻ: Làng nghề Đồng Kỵ đã có từ lâu đời, đối với những người thợ làm việc tại thôn đều là thợ bình dân, có thâm niên và làm ra nhiều loại sản phẩm như: Bàn, ghế, tủ, giường, sập, ban thờ…, thu nhập bình quân đối với người thợ khoảng 300.000 đồng/công thợ.
Theo ông Vũ Quốc Vương – Chủ tich Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Việc buôn bán các sản phẩm gỗ ở đây vẫn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, làng nghề có khoảng 2.000 hộ theo nghề gỗ, những người lao động ở đây đã gắn bó nhiều năm, mặc dù thu nhập của nghề này chưa cao. Còn qua khảo sát các làng nghề quanh khu vực thì một số làng nghề đang bị mai một dần, do sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Riêng làng nghề Đồng Kỵ cũng đang phải vực dậy để trở thành một điểm nhấn mới, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ nằm rải rác ở các cửa hàng nhỏ, cũng muốn tập hợp thành một chuỗi, mà muốn tồn tại và phát triển phải có một trung tâm thương mại cho một làng nghề, nhằm đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Đây là bài toán mà các làng nghề đang rất băn khoăn, trăn trở.
Các sản phẩm gỗ làng nghề Đồng Kỵ được đánh giá có độ tinh xảo cao
Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ nên khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực, mặc dù các sản phẩm đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ khá phong phú về chủng loại được trưng bày và bán tại các của hàng, cũng như giới thiệu và bán sản phẩm trên các trang website của doanh nghiệp, làng nghề. Song việc tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa được như kỳ vọng của các hộ sản xuất. Chị Vũ Thị Dung - Chủ cửa hàng đồ gỗ Huy Chương, Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh chia sẻ với chúng tôi và cho biết: Thời gian gần đây, lượng tiêu thụ sản phẩm kém hơn so với những năm trước do một phần ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình kinh tế biến động. Đa phần sản phẩm đồ gỗ của cửa hàng phục vụ cho khách hàng nội địa, còn đối với khách hàng như Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu thì rất ít, bởi tiêu chuẩn của thị trường này đòi hỏi cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Theo các chuyên gia phân tích, hiện nay, thợ thủ công lành nghề tại các làng nghề truyền thống còn rất thiếu, nhất là, thợ có tay nghề cao. Các làng nghề vẫn còn tự phát theo kiểu cha truyền con nối, chưa thực sự có một chiến lược phát triển và tiêu thụ sản phẩm. Việc mở rộng thị trường, tiêu thụ và khả năng tiếp thị sản phẩm, tiếp cận thị trường của nhiều làng nghề vẫn còn yếu. Thị trường trong nước với hơn 97 triệu dân, hàng năm, có hàng triệu lượt khánh du lịch trong và ngoài nước, nhưng việc khai thác lợi thế này chưa cao…
Do vậy, việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm làng nghề truyền thống hiện nay cần có sự vào cuộc từ các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công tỉnh và cộng đồng các doanh nghiệp, phải phối hợp tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm qua nhiều nhiều kênh thông tin, trên các sàn thương mại điện tử, tại các cuộc triển lãm, hội chợ và phát triển du lịch làng nghề cùng các sản phẩm quà tặng du lịch tiện lợi, nhỏ, gọn, tinh xảo, giá cả phù hợp, tạo cảm giác thoải mái cho khách tham quan, mua sắm, nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các làng nghề đang phải đối mặt trên con đường đi tìm đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề truyền thống.
Thu Hằng