Để tạo ra protein, người ta đơn giản chỉ cần cung cấp khí CO2, sử dụng điện áp cao và... chờ vài tuần. Đây là một phần của chương trình "Thực phẩm từ điện năng (FFE)" do các nhà nghiên cứu Phần Lan đang triển khai.
Hiệu quả mà chương trình mang lại là cho ra thành phẩm với năng lượng gấp 10 lần quá trình quang hợp của thực vật.
Ông Juha-Pekka Pitkänen, nhà khoa học chủ chốt làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kỹ thuật VTT Phần Lan, cho biết: "Về lâu dài, protein tạo ra bằng điện sẽ được sử dụng trong nấu nướng. Hỗn hợp này rất bổ dưỡng với hơn 50% protein và 25% carbohydrate, phần còn lại là chất béo và axít nucleic".
Điểm "đắc địa" của phương pháp này là tất cả nguyên liệu đều có sẵn nên theo ông Pitkänen, trong tương lai nó có thể được áp dụng tại sa mạc hoặc những khu vực đang phải đối mặt nạn đói. Các hộ gia \đình cũng có thể mua lò phản ứng kết hợp CO2 và điện thành đồ ăn để tự túc nhu cầu thực phẩm.
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 1/9 dân số thế giới - 795 triệu người - đang chịu cảnh thiếu ăn. Vì vậy, công nghệ nêu trên có thể giảm bớt cuộc khủng hoảng ngày càng tăng này, đồng thời trở thành thức ăn cho vật nuôi thay ngũ cốc, từ đó giữ giá thịt ở mức phải chăng. Các nhà khoa học cũng hy vọng công nghệ này giúp thu hẹp diện tích đất nông nghiệp và khôi phục các khu vực rừng.
Chuyên gia Jero Ahola tại Trường ĐH Công nghệ Lappeenranta (Phần Lan) nhận xét: "So với nông nghiệp truyền thống, phương pháp đang được phát triển không đòi hỏi địa điểm và những yếu tố cần thiết như nhiệt độ, độ ẩm hoặc loại đất - nhất định. Điều này cho phép chúng tôi sử dụng một quy trình tự động hóa hoàn toàn để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tránh được bất cứ tác động môi trường nào cũng như nhu cầu phân bón và kiểm soát sâu bọ".
Các nhà khoa học Phần Lan đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để sớm thương mại hóa các lò phản ứng protein này.
Theo Người Lao Động