Buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 15/7/2015, tại QL1A, xã Đồng Tân (Hữu Lũng, Lạng Sơn), Đội QLTT số 5 (Chi cục QLTT tỉnh Lạng Sơn) phối hợp với Công an huyện Hữu Lũng phát hiện, bắt giữ xe ô tô khách 16 chỗ, biển kiểm soát 29B-123.57 chạy hướng Lạng Sơn - Hà Nội.
Qua kiểm tra, trên xe vận chuyển số lượng lớn mỹ phẩm (kem ủ tóc, dầu chăm sóc tóc, dầu gội siêu mượt...) nhập lậu do Trung Quốc sản xuất; tổng trị giá lô hàng ước tính 141 triệu đồng, lái xe là Lê Đức Anh (trú tại xóm Vực Giảng, xã Tân Hòa, Phú Bình, Thái Nguyên) không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ lô hàng. Toàn bộ lô hàng đã được lập biên bản tịch thu, đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với lái xe kiêm chủ hàng Lê Đức Anh số tiền 50 triệu đồng.
Trước đó, ngày 18/6/2015, Đội QLTT số 5 đã phối hợp với Công an huyện Hữu Lũng phát hiện, bắt giữ, xử lý lô hàng mỹ phẩm nhập lậu từ Trung Quốc đang trên đường vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, trị giá gần 100 triệu đồng…
BCĐ389 tỉnh Lạng Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã kiểm tra 1.611 vụ; phát hiện và xử lý 1.423 vụ vi phạm; khởi tố hình sự 69 vụ. Trị giá hàng hóa tịch thu ước tính trên 36 tỷ đồng; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, riêng Cục QLTT đã xử lý 1.139 vụ vi phạm với hơn 4 tỷ 411 triệu đồng tiền phạt; lượng hàng hóa tịch thu hơn 8 tỷ 373 triệu đồng.
DN còn bàng quan với thương hiệu
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu diễn biến theo từng thời điểm, qua nhiều địa bàn và phương thức thủ đoạn khác nhau, ở những địa bàn “nóng” khi tăng cường lực lượng kiểm soát thì các đối tượng buôn lậu lại luân chuyển sang một địa bàn khác. Hàng hóa nhập lậu, chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm, tiền giả, ma túy… Các đối tượng dùng thủ đoạn mang vác nhỏ lẻ, theo đường vòng, đường tránh, vượt qua các điểm chốt chặn để vượt qua biên giới...
Mặc dù tình hình buôn lậu đã được kiểm soát, nhưng vẫn luôn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, nhất là buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm.
Xác định nguyên nhân, ông Nghĩa cho rằng, do đời sống cư dân còn nhiều khó khăn nên vẫn chấp nhận tiêu thụ hàng lậu, hàng kém chất lượng. Mặt khác, lợi nhuận thu được từ việc thực hiện chót lọt hàng nhập lậu là khá lớn khiến nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm.
Một nguyên nhân chính nữa được xác định đó là chủ sở hữu DN phải phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, tránh việc sản phẩm bị làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu.
Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các DN đều bàng quan, chỉ có một số hãng lớn như Unilever hay Honda… chú trọng tới công tác này. Đây cũng là một khó khăn đối với việc phát hiện và xác minh chất lượng sản phẩm làm giả, nhái…
Đối với người tiêu dùng, ông Nghĩa cho rằng, cần phải cảnh giác với mọi sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem mác nhập nhèm… cũng như mỗi người, cần trang bị cho mình kiến thức để nhận biết sản phẩm. “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”!.
Nguồn www.thcl.com.vn