Vì vậy, xây dựng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt là một tất yếu khách quan. Nếu không làm được điều này, doanh nghiệp Việt không chỉ thất bại trên “sân khách” mà còn gánh chịu những hậu quả khôn lường trên chính “sân nhà”.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh thì những công việc mà chủ doanh nghiệp cần chủ động làm là hiểu được thế nào là năng lực canh tranh của doanh nghiệp? Nguyên nhân tạo ra năng lực cạnh tranh yếu kém đó, những hạn chế về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và cuối cùng là giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là biểu hiện thế và lực trong sản xuất, kinh doanh, nhằm đạt lợi ích kinh tế cao và đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là loại doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới ra đời nên thiếu bề dày kinh nghiệm, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý thấp, thiếu lao động có kiến thức, tay nghề cao, các thể chế, luật pháp chưa đầy đủ, chưa hợp lý, nên năng lực cạnh tranh yếu kém là lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một khía cạnh khác, nó kiềm chế, nó làm suy giảm mạnh đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đó là tình trạng tiêu cực, sự nhũng nhiễu của các cơ quan chức năng và cá nhân trong hoạt động thường ngày đối với doanh nghiệp.
Tại Hội thảo Kinh tế Mùa xuân vừa mới diễn ra, rất nhiều chuyên gia đã đưa ra các chứng cứ, số liệu cụ thể minh chứng cho nguyên nhân kìm hãm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh dẫn hàng loạt số liệu của các tổ chức thế giới cũng như trong nước về xếp hạng môi trường đầu tư cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam, cho thấy tình trạng tham nhũng, hối lộ sau một thời gian lắng xuống đang có xu hướng tăng trở lại. Ông Lê Đăng Doanh nhận định: “Không nghi ngờ gì nữa, yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm giảm năng lực cạnh tranh và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”. Chẳng hạn, bảng xếp hạng về thể chế trong báo cáo GCI 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho thấy yếu kém về thể chế và tham nhũng đã làm môi trường kinh doanh trong nước xấu đi. Trong đó, đáng chú ý là xếp hạng về đút lót trong xuất nhập khẩu, Việt Nam xếp thứ 121 trên 144 nước; Xếp hạng về đút lót trong quyết định tư pháp cũng rất thấp, đứng thứ 117. Tham nhũng là vấn đề nhức nhối trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, thể hiện qua xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 119 trên 175 nền kinh tế, có điểm số 31 trên 100 điểm, đây là con số đáng lưu ý.
Qua nghiên cứu, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, doanh nghiệp muốn tạo ra 1 đồng lợi nhuận cần phải trả 0,7 - 1 đồng tiền chi phí không chính thức. Tham nhũng làm chệch hướng động lực của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đút lót, hối lộ ít quan tâm hơn đến đổi mới công nghệ hay sản phẩm, một tác động đặc biệt nghiêm trọng trong môi trường cạnh tranh quốc tế gay gắt và đổi mới khoa học - công nghệ là động lực chính cho phát triển hiện nay. Điều đáng lo ngại, đó là doanh nghiệp đang tham gia vào các hoạt động tham nhũng một cách thản nhiên. Tham nhũng sẽ làm méo mó nguyên tắc cạnh tranh của kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn phản ánh chính xác hiệu quả của các doanh nghiệp vì doanh nghiệp đút lót nhiều hơn sẽ được nhiều ưu đãi hơn và có thể thành đạt hơn doanh nghiệp có hiệu quả nhưng đút lót ít hơn. Doanh nghiệp lương thiện, không đút lót sẽ bị thiệt thòi nhiều mặt, chán nản vì không thể cạnh tranh.
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014. Theo khảo sát, 66% doanh nghiệp dân doanh cho biết phải trả thêm các chi phí không chính thức, nhiều doanh nghiệp đã dành tới 10% doanh thu cho các khoản đút lót, rồi chi phí "hoa hồng" ở mức cao cho các hoạt động đấu thầu khi tham gia các hợp đồng với cơ quan nhà nước... Điều đáng nói là tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp tăng từ 44% năm 2013 lên tới 66% năm 2014... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI thẳng thắn cho rằng: Chi phí "bôi trơn" là một trong những lý do khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn so với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp phải chi trả ngày càng nhiều cho các khoản "bôi trơn", từ việc xin giấy phép đầu tư đến quá trình đấu thầu, làm thủ tục xuất nhập khẩu... và đương nhiên kéo theo đó hàng loạt vấn đề. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp làm ăn chân chính khó có thể "gồng mình" với những khoản phí không chính thức lên đến con số 10% doanh thu như đã nêu trên. Thực tế, có không ít doanh nghiệp kêu trời vì chuyện "bôi trơn" nhưng vẫn "không trơn" và cũng có không ít doanh nghiệp "sinh ra" chỉ để "đánh quả", thậm chí chỉ để làm việc "môi giới" cho các cuộc "bôi trơn"... Đáng nói ở đây, chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ nằm ở những khoản "bôi trơn" trực tiếp mà còn là những hệ lụy từ việc lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực (chi phí cao hơn, chất lượng kém hơn...). Một khi việc làm ăn được đặt vào "các mối quan hệ" thì lợi ích sẽ chỉ đến với một số người, một nhóm người, còn hệ lụy thì cả xã hội sẽ phải gánh chịu.
Ở một khía cạnh khác, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng triệt để thói "tham nhũng vặt" của một bộ phận cán bộ công chức cùng cái gọi là "văn hóa phong bì" cho những mục đích riêng. Một số nhà đầu tư không phiền lòng khi phải trả các chi phí không chính thức vì đổi lại họ được "bảo hộ" và thu được lợi nhuận cao hơn. Như vậy, có thể thấy phí "bôi trơn" không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh mà nguy hiểm hơn, có chuyên gia kinh tế nhận định: Một số doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng những ưu đãi có được từ các "mối quan hệ" để thao túng thị trường, bóp nghẹt doanh nghiệp nội... Và phía sau những câu chuyện chuyển giá, trốn thuế... không thể không nói tới "dấu ấn" của những chiếc phong bì.
Cũng tại Diễn đàn này, tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN cũng công bố số liệu từ một cơ quan nghiên cứu cho thấy, 73% doanh nghiệp phải lót tay, 43% dân chúng phải lót tay, 33% nhân viên muốn kiếm chức, kiếm vị trí phải lót tay. “Điều này khiến chi phí doanh nghiệp tăng vô lối, lòng tin vốn đã giảm lại càng đi xuống”.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp FDI đều cảm nhận môi trường kinh doanh Việt Nam kém hấp dẫn hơn nhiều vì tham nhũng, chi phí không chính thức, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng.
Để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, về phía Nhà nước, cần đổi mới thể chế, xây dựng pháp luật để đáp ứng đòi hỏi của việc hình thành hành lang pháp lý nhất quán, thông thoáng, minh bạch, công khai, dễ dự báo, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư; Đổi mới chính sách kinh tế chuyển sang giai đoạn mới của sự nghiệp công nghiệp hóa cần đổi mới đồng bộ chính sách kinh tế để có thể hình thành đội ngũ doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp của những nước phát triển trong khu vực. Để doanh nghiệp Việt Nam hoạt động có hiệu quả ở nước ngoài cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, cần hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp, cần có chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; Xây dựng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngoài …
Để giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết cần có nhận thức đúng về năng lực cạnh tranh, cần tìm ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách bền vững, phải duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài, liên tục cả hiện tại và tương lai. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ nhiều khâu, nhiều yếu tố, song cần tập trung vào các khâu then chốt, có tính quyết định. Đây không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan chính quyền các cấp và toàn xã hội, bởi nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố và chịu sự tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, điều cần làm ngay là loại trừ tình trạng tiêu cưc, nạn tham nhũng đang gây ra nhiều điều nhức nhối đối với doanh nghiệp.
Lê Hà |