Bộ Y tế cho biết, đến tháng 5-2018 sẽ hoàn thành việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 37 quy định mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc, để điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho phù hợp với thực tế.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang khảo sát công suất khám bệnh thực tế, công suất các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, chi phí của một số xét nghiệm để tính toán và điều chỉnh lại giá cho phù hợp. Đặc biệt sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 - 3.000 dịch vụ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, theo lộ trình, từ ngày 1-7 tới sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ y tế. Trong năm 2018 sẽ xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp, tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000 đồng) và chi phí quản lý.
Theo dự kiến, mức giá dịch vụ y tế mới sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%. Với mức tăng này, dự kiến sẽ làm tăng chi quỹ Bảo hiểm y tế khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/năm. Với số dư năm 2018 chuyển năm 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng thì quỹ Bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối đến năm 2020.
Về cơ cấu giá điều chỉnh vẫn bao gồm các yếu tố: Chi phí trực tiếp và tiền lương để đồng nhất cơ cấu giá quy định tại Thông tư 37; chưa tính chi phí quản lý và khấu hao. Do đó chưa tính chi phí ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị vào giá dịch vụ y tế.
Việc ban hành Thông tư 37 về giá dịch vụ y tế là bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, góp phần tăng tỉ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế, tăng số đơn vị bảo đảm chi thường xuyên, giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện.
Trước đó, mặc dù Thông tư quy định giá dịch vụ y tế ban hành năm 2015 nhưng phần lớn chi phí trực tiếp theo Thông tư số 04 năm 2012, lại được xây dựng từ 2011; từ đó đến nay giá đầu vào các yếu tố như: Điện, nước, xử lý nước thải y tế... đều tăng.
Hơn nữa, trên thực tế, một số đơn vị có lượt khám bệnh/bàn khám cao hơn định mức số lượt khám tính giá; một số đơn vị có tỷ lệ sử dụng giường bệnh thực tế cao hơn số giường kế hoạch; số lượt chiếu, chụp, chẩn đoán, siêu âm, nội soi cao hơn định mức tính giá… mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng các đơn vị này chỉ định người bệnh điều trị nội trú, sử dụng dịch vụ bất hợp lý, coi đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây nên bội chi quỹ Bảo hiểm y tế, và từng đề nghị điều chỉnh giá một số dịch vụ bằng 70-80% mức giá hiện nay.
Nguồn Báo Hànộimới