Thứ Sáu, 22/11/2024 10:01:31 GMT+7
Lượt xem: 2034

Tin đăng lúc 22-03-2019

Sát cánh cùng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thực thi CPTPP

Đây là quan điểm của Bộ Công Thương tại Hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phát triển thị trường các nhóm ngành hàng được tổ chức tại Cần Thơ, ngày 21/03/2019.
Sát cánh cùng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thực thi CPTPP
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến.

 

Hội nghị còn có sự tham dự của hơn 300 diễn giả và khách mời đến từ các cơ quan, Sở, ngành địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng của 19 tỉnh/ thành phố phía Nam; đại diện các Bộ ngành thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; các chuyên gia kinh tế thương mại; đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương…

 

Hội nghị được tổ chức nhằm tập trung tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nội dung cam kết hội nhập kinh tế quốc tế cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả CPTPP và các FTA khác, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quyết liệt kịp thời và đồng bộ hơn nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết FTA.


Quyết tâm cao thực thi CPTPP

 

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến nay chương trình hành động của Chính phủ triển khai CPTPP, hội nhập thực thi các FTA rất quan trọng với Việt Nam. Tuy CPTPP có thay đổi phút chót khi Hoa Kỳ không tham gia nhưng 11 nước thành viên CPTPP còn lại rất tích cực triển khai thực thi. Tại Việt Nam 100% các đại biểu Quốc hội tán thành đồng ý. Tham gia CPTPP, nâng cao năng lực trình độ hội nhập, liên kết quốc tế đã và đang đặt ra cho nền kinh tế nói chung, cộng đồng DN rất nhiều việc phải làm.


Nghị quyết 09/NQ- CP ngày 03/02/2019 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2019 đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đẩy mạnh triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại CPTPP. Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, thúc đẩy thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tăng năng lực sản xuất của ngành để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đây được xem là chươn trình hành động tổng thể của Chính phủ về thực thi CPTPP, khẳng định các cam kết hội nhập của Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế, địa phương, người dân - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

Bên cạnh đó, Chính phủ hiện nay đang tập trung xây dựng Chính phủ kiến tạo, cải thiện môi trường kinh doanh và việc Bộ Công Thương xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện khung khổ pháp lý... là những nội dung rất quan trọng để giúp DN Việt Nam hoạt động hiệu quả, tiếp cận và mở thị trường xuất khẩu, thực thi các cam kết hội nhập và mở cửa thị trường. Ngoài ra khi thực thi các cam kết hội nhập các ngành chức năng, DN cũng cần chú trọng đến các vấn đề xung đột thương mại có thể xảy ra để có giải pháp giúp DN phòng chống, ứng phó kịp thời khi cần.

 

Từ thực tế phát triển của vùng ĐBSCL cho thấy, có rất nhiều mặt hàng xuất khẩu thế mạnh có thể tăng xuất khẩu vào thị trường khu vực CPTPP như nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến. Song đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu đạt hiệu quả cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN xuất khẩu cần hiểu được con đường, cách thức triển khai sao cho hiệu quả, gắn chính quyền, DN, người dân cùng tận dụng tối đa cơ hội khi tham gia CPTPP.

 

Tại Hội nghị, nhiều DN, Hiệp hội ngành hàng cũng đã nêu lên rất nhiều khó khăn, thách thức khi tham gia xuất khẩu; nêu kiến nghị hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh ở khu vực thị trường CPTPP nói riêng và các nước nói chung.

 

Bà Nguyễn Mỹ Thuận - Tổng thư ký Hiệp hội DN Cần Thơ kiến nghị, cần sự chuẩn hóa sản phẩm nông sản ĐBSCL và hai Bộ Công Thương, Nông nghiệp phát triển Nông thôn cần có các chương trình hợp tác cụ thể để hướng dẫn DN thực hiện việc này.

 


Hay ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cơ hội xen lẫn thách thức cho ngành dệt may nói riêng và các ngành công nghiệp khác nói chung. Vì thế trong các chương trình phát triển công nghiệp cần chú trọng tạo sự đồng đều trong đầu tư phát triển, quy hoạch các DN trong ngành vào các KCN để đảm bảo vấn đề môi trường, tiêu chuẩn an toàn lao động trong ngành dệt may, chú trọng phát triển bền vững.... bởi đây cũng là những yêu cầu khi đưa hàng hóa vào khu vực thị trường CPTPP.

 

Liên quan đến các ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu của vùng ĐBSCL, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn (NN&PTN) Phùng Đức Tiến, vùng ĐBSCL cần có hướng dẫn cụ thể cho phát triển từng ngành hàng xuất khẩu và để làm được điều này cần sự hợp tác chặt chẽ của hai Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, cùng sát cánh hỗ trợ cho ngành nông nghiệp của vùng đưa nông sản vươn tầm xuất khẩu bền vững.

 

Sát cánh cùng các hiệp hội ngành hàng, DN thực thi CPTPP

 

Để cập nhật thông tin về CPTPP cho DN, đại diện các Cục, Vụ của Bộ Công Thương cũng thông tin đến DN các vấn đề về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và tận dụng các ưu đãi trong các FTA; cắt giảm thuế quan của các nước thành viên CPTPP; các vấn đề liên quan đến các nhóm ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo; Chương trình xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP; Chính sách quản lý thương mại tại thị trường các nước thành viên CPTPP...

 

Bà Trịnh Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh về quy tắc xuất xứ trong CPTPP. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu buộc chứng minh phải có xuất xứ từ các nước thành viên trong CPTPP. Bà Hiền dẫn chứng cụ thể với mặt hàng quần áo để làm ra sản phẩm dệt may thì quy tắc xuất xứ trong CPTPP phải có sợi, vải, cắt may... Về mẫu C/O CPTPP các DN xuất khẩu phải có số điện thoại liên hệ vì cơ quan hải quan nước nhập khẩu nước ngoài có thể liên hệ trực tiếp với DN xuất khẩu để kiểm tra thông tin khi cần.


Hay với mặt hàng thủy sản, nông sản nguyên liệu phải có quy tắc xuất xứ, hàng nông sản phải có chứng minh chứng từ nguồn gốc xuất xứ. Các DN phải nhanh chóng nắm bắt về kiến thức xuất xứ hàng hóa, hải quan nước ngoài có thể kiểm tra sau thông quan vì thế DN phải lưu trữ chứng từ ít nhất 5 năm. DN cần phân biệt giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và ghi nhãn hàng hóa (Made in Việt Nam). Để triển khai tốt việc này Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ DN.

 

Hay vấn đề hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) Dương Duy Hưng cho biết, đến nay đã có Luật DN vừa và nhỏ, có quỹ hộ trợ DN vừa và nhỏ khoảng 800 tỷ đồng. Từ phía các DN cũng cần chú trọng tham gia vào chuỗi cung ứng của địa phương, xây dựng mô hình thí điểm phát triển các sản phẩm đặc thù để tham gia vào chuỗi cung ứng...

 

Kết luận Hội nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan để đồng hành cùng các DN thực thi các cam kết hội nhập. Từ những nội hàm, chương trình hành động của Chính phủ sẽ cụ thể hóa cho từng ngành hàng, từng thị trường cụ thể, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin, chương trình hành động của các quốc gia thành viên. Song bản thân từng DN phải cố gắng phát huy nội lực, bởi các Bộ ngành cũng không thể làm thay cho DN các vấn đề phát triển cụ thể trong từng DN. Hội nghị cũng là cơ hội tốt để thu ý kiến xác đáng của địa phương, từ đó có phương thức điều hành phù hợp, có cách thức tiếp cẫn trong toàn cầu hóa và thương mại quốc tế...

 

Ông Trần Quốc Trung - Bí thư Thành ủy Thành phố Cần Thơ cho biết:

 

Cần tạo điều kiện tốt nhất để DN tiếp cận thị trường, từ chương trình hành động của Chính phủ sẽ cụ thể hóa thành chương trình hành động của địa phương. Để triển khai hiệp định CPTPP hiệu quả Chính phủ, các bộ ngành cần dựa trên thực tiễn cần thiết bổ sung chính sách như thế nào để phát huy hết cơ hội, khai thát hết tiềm năng. Ngoài ra, trước thực tế phát triển của vùng ĐBSCL cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ... để có thể tăng thu hút đầu tư, thúc đẩy ĐBSCL phát triển Chính phủ sớm đầu tư hệ thống đường cao tốc cho vùng ĐBSCL.

 

Nguồn Congthuong


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang