Bạn nghĩ sao nếu trong tương lai, smartphone sẽ được nhúng trực tiếp vào trong cơ thể mình, để bạn thực sự có thể kết nối 24/7?
Hiện tại, chúng ta đã tích hợp công nghệ vào trong đồng hồ, sơ mi, giầy hay thậm chí áo ngực. Nhưng cấy hẳn một chiếc điện thoại vào đầu, bàn tay hay cánh tay lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Nghe thì có vẻ quá cả phim "Điệp vụ bất khả thi", nhưng với các nhà hoạch định chiến lược công nghệ đang có mặt tại Davos, Thụy Sĩ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 thì đó là sự tiến hóa tất yếu và logic.
Cuộc thăm dò do Diễn đàn tiến hành đã hé lộ nhiều tầm nhìn và dự đoán dành cho tương lai của công nghệ cũng như xã hội loài người. Nhiều người tin rằng chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên lột xác nhờ những tiến bộ về phần mềm như trí tuệ nhân tạo, Internet của vạn vật, in 3D và nhất là điện thoại nhúng trong đầu.
"Chúng ta đang tiến vào kỷ nguyên Máy thứ hai", ông Erik Brynjolfsson, Giám đốc Sáng kiến Nền kinh tế số của MIT nhận định.
Có thể hình dung như sau: trong bộ phim hành động viễn tưởng "Total Recall", nữ diễn viên Kate Beckinsale đã chat video với sếp của mình thông qua một chiếc điện thoại nhúng trong lòng bàn tay. Các chuyên gia tin rằng, điện thoại hoặc thiết bị nhúng được vào cơ thể người kiểu này (sử dụng công nghệ kết nối không dây) sẽ có thể được thương mại hóa vào năm 2023.
Dù không hẳn là bạn muốn nhắn tin hay gọi điện bên trong đầu mình, nhưng có rất nhiều cơ hội cho những ứng dụng khác, nhất là trong lĩnh vực y học. Từ nhiều năm nay, các bác sĩ đã cấy các thiết bị đặc biệt để duy trì nhịp tim hoặc máy trợ thính cấy ghép để giúp người bệnh nghe được.
Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Chẳng bao lâu nữa, những thiết bị kết nối với điện thoại sẽ giúp con người theo dõi, giám sát các chức năng sức khỏe như nồng độ glucose trong máu bệnh nhân tiểu đường, theo dõi cường độ hoạt động của các bệnh nhân tim, hoặc gửi cảnh báo khi phát hiện thấy mầm bệnh xâm nhập cơ thể. Tất nhiên, bên cạnh những lợi ích rành rành thì người ta cũng còn lo ngại về những mặt trái như riêng tư cá nhân, sự giám sát của chính phủ...
Xe tự lái trở nên phổ biến từ 2026
Một dự đoán quan trọng nữa là đến năm 2026, cứ 10 xe chạy trên đường tại Mỹ thì có 1 xe là tự hành.
Các hãng như Audi và Google đã thử nghiệm công nghệ xe tự lái này, trong khi nhiều hãng khác đang tăng tốc nghiên cứu và phát triển công nghệ tương tự. Ý tưởng chung là xe tự lái sẽ tiết kiệm nhiên liệu và an toàn hơn so với xe người lái, vì nó loại bỏ được yếu tố khó lường nhất trong giao thông: ấy chính là con người.
Xe tự lái có thể giúp cải thiện khả năng di chuyển của người cao tuổi hoặc những người khuyết tật. Còn mặt trái của nó thì sao? Các tài xế taxi hoặc xe tải có thể thất nghiệp. Đấy là chưa kể nguy cơ bảo mật từ những chiếc xe bị 'hack' nữa. Hè năm ngoái, 2 hacker đã trình diễn việc họ có thể kiểm soát các chức năng của dashboard, bánh lái và phanh hoàn toàn thông qua hệ thống giải trí của xe trong lúc xe đang chạy.
Nhưng những rủi ro đó không thể ngăn cản guồng quay công nghệ chuyển động. Xu hướng đã định hình và Google tuyên bố xe tự hành của hãng sẽ được tung ra thị trường vào năm 2020. Năm 2012 vừa qua, bang Nevada của Mỹ đã trở thành địa phương đầu tiên cho phép sử dụng xe tự hành.
Nguồn: Vietnamnet.vn