Từ khi điện về vùng đất khó
Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phía Đông giáp sông Hậu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Nam giáp biển Đông. Sóc Trăng có bờ biển dài khoảng 72km, phần lớn là bãi bồi mang nét đặc trưng hệ sinh thái rừng ngặp mặn nằm trên địa bàn 03 huyện, thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề và Cù Lao Dung. Tỉnh có 3 cửa sông đổ ra biển là cửa Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh.
Tại thời điểm tháng 4/1992, tỉnh Hậu Giang được tách thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng - Sở Điện lực Sóc Trăng được thành lập. Ngoài các đặc điểm chung của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Sóc Trăng là một tỉnh đi lên từ nông nghiệp, có đến 30% dân số toàn tỉnh là đồng bào Khmer làm ăn sinh sống. Với tập quán sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ mạnh mún, dân cư lại thưa thớt ở vùng nông thôn sâu, đặc điểm thổ nhưỡng có nhiều kênh, rạch chằng chịt, giao thông còn khó khăn chủ yếu dùng ghe, đò.
Lúc này, toàn tỉnh Sóc Trăng có 81 xã thì chỉ có 21 xã có điện, chiếm tỷ lệ 26% với 21.150 hộ được dùng điện chiếm tỷ lệ 10,5%. Nhưng bình quân mức tiêu thụ điện rất khiêm tốn chỉ có 24kWh/ người/năm.
Đến nỗ lực đưa điện về đánh thức các tiềm năng, thế mạnh
Chăng đường gian khó đưa điện về quê hương Sóc Trăng, đánh thức mọi tiềm năng đất đai sông biển, kích hoạt nền kinh tế và xã hội địa phương đã trải qua 39 năm. Trong quá trình hoạt động, công tác đầu tư nguồn, lưới, điện, phát triển hoạt động điện lực liên tục được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là ngành điện mà chủ đầu tư trực tiếp là EVNSPC .
Đến năm 1995, số hộ có điện đã nâng lên 39.581 hộ, tăng gần gấp đôi so với năm 1992. Đến tháng 4-1996, Sở Điện lực Sóc Trăng đổi tên thành Điện lực Sóc Trăng, với nhiệm vụ quản lý vận hành toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Từ năm 1996, Chính phủ có Quyết định 99/TTg về công tác điện khí hoá nông thôn, lĩnh vực phát triển điện đã có những bước nhảy vọt, đơn vị được Tổng Công ty Điện lực Miền Nam giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm điện khí hoá ở xã anh hùng Mỹ Phước (Mỹ Tú) và đây là xã được chọn điện hoá thí điểm đầu tiên trong 22 xã đồng bằng sông Cửu Long. Công trình đã hoàn thành vào cuối năm 1997, nâng toàn bộ xã đất liền của tỉnh Sóc Trăng đều có lưới điện quốc gia. Thành công này đã làm tiền đề cho đơn vị tiếp tục thực hiện công tác điện hoá tại Cù Lao Dung.
Công trình đưa điện về Cù Lao Dung được khởi công vào năm 1997 và hoàn thành vào tháng 12-1998. Tiếp đó, PC Sóc Trăng đã hoàn thành công trình đưa điện lưới quốc gia vượt sông Hậu về cấp điện cho xã Phong Nẫm (Kế Sách) vào năm 1999, bằng đường dây điện kéo từ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; xác lập cột mốc mới là 100% xã phường trong tỉnh có lưới điện quốc gia.
Đến tháng 4-2009, lưới điện vượt sông Hậu đến phủ kín vùng cù lao 2 ấp: An Tấn và An Công thuộc xã An Lạc Tây (Kế Sách), và đây là 2 ấp cuối cùng của tỉnh có điện, đánh dấu 100% số ấp có điện.
Với những nỗ lực vượt bật của đội ngũ CBCNV, đến cuối năm 2014 tỉnh Sóc Trăng đã có 109/109 xã, phường, thị trấn có điện. Tổng số hộ có điện là 307.911hộ đạt tỷ lệ 99,15% tăng gấp 14 lần so năm 2009. Đặc biệt số hộ đồng bào dân tộc Khmer có điện là 89.462 hộ đạt 98,06%.
Không ngừng mở rộng lưới điện, PC Sóc Trăng còn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Kinh tế kỹ thuật và kinh doanh bán điện được EVNSPC giao. Trong đó điện thương phẩm năm 2009 đạt 528,29 triệu kWh, đến năm 2014 điện thương phẩm đạt 910 triệu, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,9%/năm. Doanh thu bán điện năm 2014 đạt 1.387,75 tỷ đồng tăng gấp 3 lầm so với năm 2009.
Điện về, đã kích hoạt tổng lực nền kinh tế xã hội Sóc Trăng với một diện mạo mới. Tổng kim ngạch thương mại của Sóc Trăng đạt 432,37 triệu USD năm 2010, tăng 29,39% so cùng kỳ năm 2009; năm 2011 đạt 450 triệu USD. Hiện tỉnh có 15 dự án ODA được triển khai thực hiện trên địa bàn, tiếp nhận gần 100 chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ, cấp phép đầu tư cho 05 doanh nghiệp nước ngoài trực tiếp đến đầu tư và phát triển kinh tế rất hiệu quả tại Sóc Trăng trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước, sản xuất thức ăn thủy sản, chế tác, lắp ráp thiết bị, chế biến nông sản...
Hướng đến tương lai với một doanh nghiệp phát triển bền vững
PC Sóc Trăng đã vận hành SXKD điện năng trong thiết chế văn hóa EVN mang màu sắc Sóc Trăng, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa và nhân văn của các thế hệ trước. Lãnh đạo và Công đoàn đã quan tâm công tác từ thiện xã hội như việc vận động 100% CB-CNV đóng góp ủng hộ quỹ, “Đền ơn đáp nghĩa”; ủng hộ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/CP của Chính phủ; hỗ trợ nhiều ngày lương cho đồng bào bị thiên tai bão lụt; ủng hộ Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam, ngư dân bám biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc; phụng dưỡng suốt đời 6 Mẹ Việt Nam anh hùng...
Phát biểu tại lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Việt Tùng biểu dương và ghi nhận những cố gắng, thành tích của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên PC Sóc Trăng. Trải qua hơn 39 năm (1975-2014) hình thành và phát triển, đặc biệt 22 năm qua (1992-2014) kể từ khi đơn vị tái thành lập, với lòng nhiệt huyết và tinh thần đoàn kết của toàn thể CB-CNV, PC Sóc Trăng đã trở thành sức mạnh đưa đơn vị vượt qua nhiều khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nổi bật là việc cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, PC Sóc Trăng cần tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển hiệu quả, bền vững nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh. Chú trọng phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, các vùng đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt giai đoạn hiện nay phải hoàn thành các yêu cầu để đạt các tiêu chí về điện cho các xã xây dựng nông thôn mới.
Văn Thuận