Phải thuyết phục bằng con số biết nói
Theo người sáng lập dự án Mạng xã hội hiến máu Regen Solution Lương Trung Dũng, ý tưởng này đã được mang đi “ra mắt” các nhà đầu tư tại Singapore và một số quỹ đầu tư lớn của Việt Nam trong 3 tháng đầu thành lập doanh nghiệp.
“Sau những lần đi gọi vốn, tôi nhận ra rằng, khi sản phẩm đạt được kết quả và con số cụ thể mới có thể thuyết phục nhà đầu tư rót vốn. Nếu mình không bỏ vốn ban đầu, từ ý tưởng xây dựng thành sản phẩm thì rất khó thuyết phục họ” - Lương Trung Dũng tâm sự.
Regen Solution là nơi kết nối người có nhu cầu về máu với người có khả năng hiến máu, được xây dựng tương tự mô hình của Ubers, nhưng được điều chỉnh cho phù hợp với bài toán về máu.
Với 10.000USD nhận được từ nhà đầu tư thiên thần của vườn ươm Vietnam Silicon Valley, sau hơn 3 tháng đẩy mạnh triển khai, Regen Solution đã có hơn 5.000 lượt tải app và 600 người dùng ở tình trạng sẵn sàng hiến máu. Nhóm cũng đã nhận lời cảm ơn từ 3 người tìm được người hiến máu, trong đó có một founder (người sáng lập) của Vietnam Silicon Valley.
Ứng dụng giúp phát hiện bệnh cho cây lúa của nhóm Sero cũng đang trong quá trình gọi vốn. Các sáng lập viên Nguyễn Thị Lan Anh và Nguyễn Quang Hiếu cho biết đã chạy thử nghiệm ứng dụng và khẳng định có thể trả kết quả chính xác từ 80-90%.
“Sau 3 tháng triển khai, với mỗi loại bệnh của cây lúa, chúng tôi đã tập hợp hơn 5.000 ảnh dữ liệu. Nông dân chỉ cần sử dụng app, chụp ảnh và sau 20 giây, hệ thống sẽ xử lý và trả kết quả” - vừa chia sẻ, Nguyễn Quang Hiếu vừa thoăn thoắt trình diễn ứng dụng bằng cách gửi bức ảnh về bệnh đốm nâu lên app và cho xem kết quả trả về.
Nguyễn Thị Lan Anh khẳng định: “Chúng tôi tự tin vào ứng dụng của mình. Trong vụ lúa tới tại Đồng bằng sông Cửu Long, chúng tôi sẽ triển khai thử nghiệm để chứng minh hiệu quả, đồng thời tiếp tục thu thập dữ liệu bệnh của cây lúa”.
Các thành viên Sero cho biết, nếu nông dân cứ 2 ngày đi thăm đồng một lần và chụp ảnh gửi về sẽ phát hiện được bệnh ở giai đoạn đầu, khi đó dễ dàng dập tắt. “Có khi chỉ cần chậm một ngày là cả một khu vực đã nhiễm bệnh. Lúc đó, nông dân sẽ tốn thuốc trừ sâu, phân bón hơn rất nhiều” - Lê Quang Hiếu nói.
Cần cả vốn và kinh nghiệm
Theo bà Mai Lan Vân - Giám đốc Marketing của UP Co-working, không có tiền là vấn đề chung của hầu hết startup trên thế giới: “Chi phí vận hành, thuê văn phòng để đảm bảo chỗ làm việc cho cả đội luôn luôn là vấn đề”.
Kinh nghiệm hạn hẹp cũng là lý do khiến dự án Sero và Regen Solution gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng và triển khai công việc. Các nhóm này đang làm việc tại các co-working space và chủ yếu tự đầu tư vốn đảm bảo chi phí vận hành.
Vì thế tham gia Techfest 2016, các sáng lập viên của Sero hy vọng tìm được nhà đầu tư hứng thú với ý tưởng của mình. Nguyễn Quang Hiếu thành thật: “Tôi mong có tiền để đầu tư một server đủ mạnh chứa được khoảng 1 triệu bức ảnh dữ liệu và có thể trả kết quả trong 10 giây. Hệ thống hiện tại của chúng tôi chậm nên nhiều khi chờ lâu quá, người ta bỏ ngang mà không hề biết rằng kết quả trả về là chính xác”.
Còn người sáng lập Regen Solution hy vọng sẽ gặp được các mentor (người chia sẻ kinh nghiệm) có thể hỗ trợ về chiến lược phát triển cũng như hoàn thiện các mảng còn yếu. “Tôi muốn mình gọi vốn được từ các nhà đầu tư thiên thần, nguồn vốn tuy nhỏ nhưng sẽ được nhận ngay, giúp đưa dự án tới mục tiêu nhanh hơn. Khi đã có những con số biết nói, tôi tin rằng các nhà đầu tư mạo hiểm sẽ tìm tới mình” - Lương Trung Dũng nói.
Là người đầu tư các không gian làm việc chung cho startup, bà Mai Lan Vân kỳ vọng Techfest sẽ đúng như tên gọi, là nơi hội tụ của các nhà đầu tư, người khởi nghiệp. Ở đó, startup được trình bày ý tưởng và có cơ hội lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư.
“Sự kiện này sẽ giúp các startup tự tin hơn khi biết rằng họ không đơn độc trong hành trình khởi nghiệp bởi có rất nhiều tổ chức đang sẵn sàng hỗ trợ. Việc của họ là tập trung làm sản phẩm và đợi đến ngày giới thiệu, cuốn hút nhà đầu tư trong những sự kiện như thế này” - bà Vân nhấn mạnh.
Nguồn Khoa học Phát triển