Thứ Sáu, 22/11/2024 11:59:16 GMT+7
Lượt xem: 4521

Tin đăng lúc 27-01-2015

Sức bật cho hàng Việt

Sau phiên đàm phán thứ 11 diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, các đoàn đàm phán Việt Nam và khối EFTA đã đạt được bước tiến quan trọng đối với các lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, đầu tư. Các bên quyết tâm thúc đẩy tiến trình đàm phán để đi tới ký kết hiệp định trong năm 2015.
Sức bật cho hàng Việt
Ảnh minh họa

Kết thúc phiên đàm phán thứ 11, tiến trình đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Lichteinsten) đã đạt được một số bước tiến quan trọng đối với các lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, di chuyển thể nhân, cạnh tranh, phát triển bền vững...

 

Theo đó, trong đàm phán chung cũng như đàm phán song phương giữa Việt Nam và từng nước thành viên EFTA về mở cửa thị trường hàng hóa, các bên đã thể hiện thiện chí và thống nhất các tiêu chí mở cửa thị trường ở mức cao nhất có thể. Các tiêu chí này sẽ được thể hiện trong bản chào cuối cùng sẽ được trao đổi tại phiên họp tiếp theo và là cơ sở để có thể sớm kết thúc đàm phán về mở cửa thị trường hàng hóa.

 

Đối với các nội dung đàm phán khác, các bên cũng đã thống nhất về lời văn của các chương hàng hóa, dịch vụ, phát triển bền vững, hợp tác, thể chế và phụ lục về Quy tắc xuất xứ. Dự kiến, phiên đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối EFTA 12 sẽ được tổ chức từ ngày 20 - 23/4/2015 tại một trong các nước khối EFTA.

Hiệp định này có nội dung tương đối toàn diện, tạo lợi thế cho Việt Nam trở thành một địa điểm thu hút dòng đầu tư ra nước ngoài của khối EFTA, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh như tài chính, ngân hàng, dịch vụ thương mại, chế tạo, dược phẩm, hàng hải.

 

Khu vực EFTA tuy không tham gia EU nhưng đều được hưởng quy chế thành viên thị trường chung EU. Trong đó, 3 nước là Na Uy, Iceland và Liechtenstein liên kết với EU thông qua thỏa ước về Khu vực kinh tế châu Âu (EEA) có hiệu lực vào năm 1994, trong khi Thụy Sỹ liên kết với EU thông qua thỏa thuận song phương có hiệu lực vào năm 1999.

 

Ông Trần Trung Thực - Trưởng đoàn đàm phán FTA phía Việt Nam - cho rằng, hiện các nước EFTA có rất nhiều tiềm năng để tăng giá trị xuất khẩu. Một trong những khó khăn lớn nhất của xuất khẩu của Việt Nam vào EFTA là mức thuế đối với nông sản, thực phẩm tương đối cao, thuế suất tính theo giá trị trung bình gần 19%. Do đó, với việc ký FTA hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế suất thấp cũng như có cơ chế tiếp cận thị trường các nước EFTA tốt hơn.

 

“Việt Nam có thể gia tăng đáng kể xuất khẩu hàng công nghiệp tiêu dùng, nông sản, thực phẩm sang thị trường EFTA. Dù chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng nhưng theo các FTA mà khối EFTA đã ký, các nước EFTA đều cam kết đưa toàn bộ dòng thuế của nhóm hàng công nghiệp, chế tạo về mức 0%”- ông Trần Trung Thực chia sẻ. 

 

                                                                                                                                Nguồn: Báo Công thương điện tử


Tag:FTAEFTA

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang