Theo định hướng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang có vai trò là cửa ngõ của hai vùng kinh tế quan trọng này. Trên cơ sở đó, Tiền Giang được tính toán phát triển chủ yếu về công nghiệp chế biến nông, thủy sản; nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cảng. Sự phát triển của Tiền Giang được coi là xung lực quan trọng của “đoàn tàu” kinh tế ĐBSCL vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn 2020-2025, Tiền Giang tập trung đầu tư hoàn thành các công trình liên kết với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiểu vùng Đồng Tháp Mười và tiểu vùng duyên hải phía Đông như: tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, tuyến đường cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Bên cạnh đó, Tỉnh phối hợp với tỉnh Long An mời gọi đầu tư dự án Trục đô thị thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang.
Ngoài ra, Tiền Giang đầu tư các công trình liên kết các vùng của tỉnh, các công trình liên kết với các tỉnh lân cận, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư hoàn thành các trục ngang, trục dọc như: nghiên cứu ý tưởng Đường tỉnh 864 từ cầu Mỹ Thuận đến biển Tân Thành để khai thác quỹ đất ven sông Tiền; đầu tư Đường tỉnh 872, Đường tỉnh 877C, Đường tỉnh 879,... với quy mô theo quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Để tạo tiền đề, Tiền Giang đang tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp phù hợp theo Luật Quy hoạch để tìm ra ý tưởng mới, phương pháp mới nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời cụ thể hóa theo hướng nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gia tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu hội nhập. Qua đó, thực hiện đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế.
Trong đó, Tiền Giang chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là phát triển công nghiệp phía Đông, tập trung đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào Khu Công nghiệp Gò Công, Bình Đông, các cụm công nghiệp... để tiếp tục đà tăng trưởng nhanh của ngành công nghiệp của tỉnh và thúc đẩy các ngành khác phát triển.
Đặc biệt, tỉnh sẽ tạo điều kiện chuyển nhanh số hộ kinh doanh thành doanh nghiệp gắn với nâng qui mô và chất lượng để hình thành doanh nghiệp vừa và có một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng nhóm hợp tác xã điển hình tiêu biểu để hỗ trợ tạo điều kiện phát triển và nhân rộng.
Theo ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu quả Trung tâm phục vụ hành chính công; nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức,... để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn nữa đang là những ưu tiên hàng đầu của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Tiền Giang luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Hiệu ứng điều hành Với những chính sách đồng bộ, thực thi hiệu quả, trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng phát triển doanh nghiệp, chỉ trong một thời gian gắn, Tiền Giang đã vươn lên đi đầu trong đổi mới, tạo ra động năng cho sự phát triển của cả vùng. Đặc biệt là vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu, hạn- mặn. Kết quả, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh dự kiến đạt 3,4 tỷ USD, tăng bình quân 11,13%; kim ngạch nhập khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng bình quân là 12,4%. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phát triển nhanh, rộng khắp. Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT Index) của Tiền Giang ở nhóm 10/63 tỉnh, thành phố liên tục trong 4 năm gần đây. Đặc biệt, Tiền Giang là tỉnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao trong vùng ĐBSCL. Tỉnh đã thu hút 31 dự án và 36 dự án đăng ký tăng vốn, với vốn đăng ký và tăng thêm là 980 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 120 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 2.570 triệu USD; trong đó có 21 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới có dự án đầu tư tại tỉnh. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, bình quân 12,5%/năm; chiếm tỷ trọng 14,1% so với GRDP của tỉnh. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2016 - 2020 là 3.340 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp hoạt động là 5.664 doanh nghiệp. Đến nay, tất cả các xã, phường, thị trấn đều có doanh nghiệp hoạt động, đây là thành phần kinh tế đóng góp đứng thứ 2 trong tổng GRDP của tỉnh với tốc độ tăng giá trị gia tăng cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của tỉnh, đạt 8,8%/năm; chiếm tỷ trọng 17,2% so tổng GRDP của tỉnh. Đến cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tiền Giang đạt 7,26%, thu ngân sách đạt hơn 11.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng/năm. Đây là những nền tảng quan trọng để Tiền Giang xây dựng mục tiêu kế hoạch bứt phá trong nhiệm kỳ 2020-2025, trên lĩnh vực kinh tế. |
Theo Enternews