Thứ Sáu, 22/11/2024 18:06:52 GMT+7
Lượt xem: 4359

Tin đăng lúc 25-11-2015

Sức nóng hội nhập và “những việc cần làm ngay”

Bên cạnh những cơ hội đã rất rõ ràng, thì việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt Việt Nam trước nhiều thách thức lớn. Để biến những thách thức này thành cơ hội, rất cần những hành động đồng bộ, đồng tốc giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Sức nóng hội nhập và “những việc cần làm ngay”

Cách đây vài ngày, lãnh đạo các nước ASEAN chính thức tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC). Đây là sự kiện mới nhất liên quan đến bước hội nhập sâu rộng chưa từng có của Việt Nam trong năm 2015.

 

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đa phần mới được thành lập từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO (tháng 1/2007) đến nay, yếu về quy mô và vốn, trên 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ quản trị cũng chưa theo kịp chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Nếu không có giải pháp phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với những tập đoàn đa quốc gia có tuổi đời từ vài chục năm cho đến hàng trăm năm.

 

Có rất nhiều việc phải làm, nhưng trong khuôn khổ bài viết, chỉ xin nêu những nhóm việc cấp thiết nhất ở cả cấp vĩ mô (Nhà nước) và cấp vi mô (doanh nghiệp). Đây là những việc làm mang tính dài hơi, nhưng cần bắt đầu càng sớm càng tốt. 

 

Nhà nước và cải cách

 

Nói ngắn gọn nhất, Nhà nước phải làm tốt nhiệm vụ cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ đã được Chính phủ triển khai từ nhiều năm qua, nhất là từ đầu năm 2014, nhưng vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh, trong đó cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp sau.

 

1. Chuyển đổi tư duy và chủ động cải cách thể chế

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhiều lần đưa ra yêu cầu chuyển đổi từ tư duy “Nhà nước điều hành” sang “Nhà nước kiến tạo phát triển”. Điều này có nghĩa là dứt khoát phải thay đổi tư duy để không biến doanh nghiệp và cơ quan quản lý thành đối thủ của nhau mà hai bên phải là đối tác, cùng đồng hành.

 

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương lưu ý, “đây là sự thay đổi về luật chơi. Việt Nam phải chủ động cải cách thể chế để doanh nghiệp tận dụng được cơ hội… Thời gian tới Việt Nam sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi một khối lượng lớn các quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…”.

 

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, mà biểu hiện rõ nhất là việc xác lập quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp năm 2013 và các quy định thông thoáng hơn của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới.

 

2. Tiếp tục quyết liệt, đồng bộ triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Trong đó, cần quy định rõ từng phần việc của đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể, tránh một việc có nhiều đơn vị cùng chịu trách nhiệm nhưng không phân công rõ, dẫn đến hiệu quả không cao, thậm chí dậm chân tại chỗ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

 

3. Chính phủ cần phát động khởi nghiệp quốc gia, thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

 

Đây chính là biện pháp căn cơ để có thể giải quyết nhiều vấn đề như giải quyết việc làm, cân đối ngân sách, xóa đói giảm nghèo…

 

Thông qua chương trình, hình thành, hoàn chỉnh một hệ thống chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cũng rất cần các chính sách hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp… Không thể giải quyết bền vững các vấn đề của nông nghiệp nếu thiếu các doanh nghiệp nông nghiệp.

 

4. Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng, nhưng không phải bằng biện pháp hành chính mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.

 

Điều chỉnh cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

 

Nguồn tín dụng cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải theo đúng các quy luật kinh tế, với việc đặt doanh nghiệp Nhà nước vào kỷ luật nghiêm ngặt của thị trường.

 

Đây là nội dung rất quan trọng để thực hiện mục tiêu bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.

 

5. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì?

 

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh rằng đối với từng vấn đề cụ thể, “Chính phủ không thể làm thay doanh nghiệp, không thể buộc doanh nghiệp làm gì và không làm gì. Thị trường buộc doanh nghiệp phải thông minh, nếu không thông minh sẽ bị đào thải”.

 

Thực tế thì không chỉ Chính phủ, mà bất kỳ ai cũng không thể đưa ra được câu trả lời cho mọi vấn đề của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp luôn hiểu rõ hơn ai hết về những khó khăn, vướng mắc của mình và nếu không tìm được cách giải quyết, thì sẽ cầm chắc thất bại. Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp mà có lẽ mọi doanh nghiệp đều phải chuẩn bị trước thềm hội nhập.

 

1. Trước hết, các doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá lại tiềm năng, nội lực, thế mạnh và cả điểm yếu của mình.

 

Tổ chức cho cán bộ chủ chốt của đơn vị nghiên cứu kỹ lưỡng, nhận biết những cơ hội, thách thức từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Từ đó, tổ chức nghiên cứu sâu thị trường, dự đoán đối thủ cạnh tranh, nhận biết những thách thức của thị trường trong thời gian tới.

 

Nếu cần thiết, phải xem xét bổ sung, thay mới đội ngũ cán bộ chủ chốt phù hợp với tình hình mới.

 

2. Củng cố và xây dựng chiến lược kinh doanh 5 năm, 10 năm

 

Thực hiện chiến lược kinh doanh phải nhất quán, xuyên suốt. Chiến lược kinh doanh phải khai thác được những yếu tố thuận lợi do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại.

 

3. Tổ chức đổi mới, nghiên cứu và sáng tạo (R&D) theo kịp và đủ sức cạnh tranh thời hội nhập

 

Trong đó, chú trọng nâng cao năng suất lao động; thay đổi thiết kế, mẫu mã bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 

4. Sự cần thiết phải tái cấu trúc lại công ty

 

Trong trường hợp cần thiết, có thể tính đến việc mua và bán, sáp nhập (M&A) công ty, rút ngắn giai đoạn củng cố nội lực.

 

Áp dụng những tiêu chuẩn quản trị kinh doanh hiện đại, phù hợp với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế, thực hiện công bố thông tin công khai, minh bạch.

 

Xây dựng kế hoạch huy động và sử dụng vốn hiệu quả phục vụ cho thực hiện chiến lược kinh doanh của công ty. Hạn chế tối đa việc sử dụng vốn ngắn hạn, vốn vay ngân hàng. Tích cực huy động và sử dụng các nguồn vốn khác ngoài ngân hàng thông qua thị trường chứng khoán.

 

CEO. Đặng Đức Thành

Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC)

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang