Với định hướng phát triển CNNT bền vững và hiện đại, tỉnh đã triển khai nhiều đề án hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong đợt đầu năm 2025, tỉnh đã phê duyệt 12 đề án khuyến công, với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó, 5 đề án đã được nghiệm thu và cho thấy hiệu quả thực tiễn đáng ghi nhận.
Điển hình có thể kể đến là Đề án hỗ trợ máy móc sản xuất trà mãng cầu xiêm cho Hộ kinh doanh 2 Đậu của ông Nguyễn Tấn Đậu tại xã Giồng Riềng– đơn vị chuyên chế biến trà mãng cầu. Nhận thấy thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, ông Đậu đã chủ động đăng ký tham gia đề án khuyến công để đầu tư một máy sấy nhiệt đối lưu gió 3D hiện đại. Tổng kinh phí thực hiện đề án 97,82 triệu đồng, trong đó vốn của hộ kinh doanh là 48,91 triệu đồng, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 48,91 triệu đồng. Việc đầu tư thiết bị mới giúp sản phẩm trà mãng cầu xiêm của cơ sở giữ được hương vị, màu sắc và dưỡng chất tự nhiên của mãng cầu trong quá trình chế biến – điều mà phương pháp thủ công trước đây không thể đảm bảo.
Hiệu quả của sự thay đổi này được thể hiện rõ qua các con số: Sản lượng tăng gấp ba lần, từ 1.200 hộp lên 3.800 hộp mỗi năm; doanh thu từ 161 triệu đồng tăng lên 483 triệu đồng; lợi nhuận tăng gấp ba và thu nhập của lao động cũng được cải thiện đáng kể, từ 3 triệu đồng lên mức 5–6 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, sản phẩm sau cải tiến được khách hàng đánh giá cao, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường lớn hơn, từ đó khơi thông tiềm năng phát triển thương hiệu cho trà mãng cầu xiêm của tỉnh.
Cũng là đơn vị nhận được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công năm 2025, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng môi trường Quang Quỳnh (thị trấn Hòn Đất cũ, nay là xã Hòn Đất) đã mạnh dạn đầu tư 789,8 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của Công ty để mua 01 dây chuyền máy ép gạch không nung model BLV6, mới 100%, lắp ráp tại Việt Nam theo công nghệ Boss - Hàn Quốc nhằm tăng năng suất sản xuất gạch không nung. Đề án mới được nghiệm thu và đi vào vận hành ổn định.
Chia sẻ về hiệu quả đề án đem lại, bà Lê Thị Xuân Đào - Phó Giám đốc Công ty cho biết, với hệ thống sản xuất mới đã giúp sản lượng gạch của Công ty sản xuất tăng từ 300.000 viên/năm lên 450.000 viên/năm; doanh thu từ 1,5 tỷ đồng/năm tăng lên 2,2 tỷ đồng/năm; tạo thêm việc làm cho lao động địa phương với mức lương tăng từ 5 triệu đồng lên 6,5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ ứng dụng máy móc công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chương trình khuyến công tại địa phương còn hướng tới mục tiêu dài hạn là xây dựng hình ảnh và tăng cường quảng bá cho sản phẩm CNNT tiêu biểu. Hộ kinh doanh Anh Thoại tại TP. Rạch Giá, nay là phường Rạch Giá – cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ – là một trong những đơn vị được hưởng lợi từ đề án đầu tư phòng trưng bày.
Từ nguồn kinh phí khuyến công, cơ sở được hỗ trợ lắp đặt các kệ trưng bày chuyên dụng, thiết kế đẹp mắt, giúp sản phẩm được thể hiện một cách sinh động, dễ thu hút khách tham quan, đặc biệt là du khách. Nhờ không gian trưng bày chuyên nghiệp hơn, doanh thu của cơ sở đã tăng đáng kể, từ 600 triệu lên 900 triệu đồng mỗi năm, lợi nhuận theo đó cũng tăng từ 200 triệu lên 300 triệu đồng. Hai lao động làm việc thường xuyên tại phòng trưng bày có thu nhập ổn định, tạo thêm động lực phát triển kinh doanh bền vững.
Từ trưng bày trực tiếp, cơ sở còn phát triển thêm các kênh quảng bá qua mạng xã hội, tạo ra cầu nối giữa sản phẩm thủ công và khách hàng tiềm năng. Điều này không chỉ góp phần đẩy mạnh tiêu thụ mà còn nâng tầm giá trị sản phẩm thủ công địa phương – lĩnh vực vốn chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và hình thức.
Đánh giá về hiệu quả của các đề án trên, đại diện Sở Công Thương tỉnh cho rằng, các đề án được nghiệm thu là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng của chính sách khuyến công, đó là hỗ trợ những gì doanh nghiệp thực sự cần, từ khâu chế biến cho tới khâu tiếp thị sản phẩm. Máy móc hiện đại không chỉ cải thiện quy trình sản xuất mà còn góp phần tăng lợi nhuận, tạo việc làm ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với đó, việc đầu tư trưng bày chuyên nghiệp đã giúp sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương không bị lu mờ trong mắt khách hàng. Các gian hàng được nâng cấp cả về thẩm mỹ lẫn trải nghiệm tiêu dùng, qua đó củng cố hình ảnh thương hiệu và tạo điểm nhấn cho phát triển công nghiệp gắn với du lịch.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng khảo sát, lựa chọn những cơ sở CNNT có uy tín, năng lực, những đề án có tính khả thi cao và hiệu quả thiết thực phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh để nhân rộng mô hình. Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng đến việc đào tạo, tập huấn kỹ năng vận hành thiết bị, giúp các hộ kinh doanh tận dụng tối đa hỗ trợ từ ngân sách khuyến công.
Từ những kết quả ban đầu, có thể thấy rằng, khuyến công không chỉ là một chính sách hỗ trợ đơn lẻ, mà là nền tảng để định hướng phát triển bền vững cho CNNT. Những đề án đã triển khai thưc hiện cho thấy khi sự hỗ trợ đi đúng nhu cầu, từ đổi mới công nghệ cho đến quảng bá sản phẩm thì các doanh nghiệp, cơ sở CNNT sẽ chủ động, sáng tạo hơn, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng phát triển bền vững hơn.
Hơn cả hỗ trợ tài chính, khuyến công đang tạo ra sự thay đổi tư duy, hướng đến xây dựng sản phẩm có thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đó là cách An Giang đang chuyển hóa từng bước nhỏ thành động lực lớn, góp phần xây dựng nền CNNT hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc địa phương.
Hà Phương