Nhìn một cách tổng quan EU là một trong những nhà đầu tư lớn của Việt Nam chỉ đứng sau các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan. Cụ thể, theo thông tin từ Sách Trắng, các nhà đầu tư EU đã đầu tư tổng số vốn 915,5 triệu USD vào 151 dự án tại Việt Nam, và đang tích cực xúc tiến đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Triển vọng đầu tư rộng mở
Có được kết quả này phải kể đến những cải thiện tích cực về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo kết quả khảo sát từ Sách Trắng cho thấy, có tới 62,3% đại diện doanh nghiệp EU đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ tại Việt Nam là xuất sắc và tốt. Ngoài ra, có khoảng 70% DN châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới, trong đó 11,6% số doanh nghiệp phản hồi là tuyệt vời và 58% phản hồi là tốt.
Ngoài ra, nhận định về tiềm năng thị trường Việt Nam, ông Guru Mallikarjuna - Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Bosch Việt Nam nhận định, cơ chế chính sách đang ngày càng cải thiện, điều này giúp thị trường Việt Nam ngày càng được mở rộng hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.
Đây là những điều kiện cơ sở để doanh nghiệp EU tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh Việt Nam để mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh. Ngoài ra, năm 2018 cũng là năm được kỳ vọng Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) được ký kết.
Ông Joaquim Torrinha - Trưởng Phòng Truyền thông Eurocham nhấn mạnh: “Những dấu hiệu tích cực cho triển vọng thực hiện Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ củng cố mạnh mẽ hoạt động kinh doanh và đầu tư của DN châu Âu tại Việt Nam”.
Với những triển vọng tích cực như vừa nêu, chắc chắn thị trường Việt Nam sẽ là điểm đến ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư EU trong thời gian tới.
Mặt sau của đồng xu
Nếu so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác, Việt Nam thu hút FDI từ EU hiệu quả bậc nhất khu vực, chỉ sau Malaysia, còn lại, Thái Lan, Philippines, Indonesia đều xếp sau Việt Nam về số lượng dự án đăng ký trong 14 năm qua.
Tuy nhiên, khi nhìn vào chi tiết các con số theo luỹ kế tính đến quý I/2018, Việt Nam đã thu hút được 59 tỷ USD từ Hàn Quốc, 49,8 tỷ USD từ Nhật Bản, nhưng con số thu hút dòng FDI từ các nước thành viên EU không có dự án đầu tư nào lớn quá 10 tỷ USD. Cụ thể, Hà Lan là nước có khoản vốn đầu tư cao nhất với tổng giá trị đạt 8,3 tỷ USD. Theo sau đó là Pháp gần 2,8 tỷ USD, Luxembourg đạt 2,3 tỷ USD, Đức gần 1,8 tỷ USD…
Vì vậy, nếu để so sánh giữa những triển vọng và thực tế rõ ràng những con số vừa nêu chưa như kỳ vọng. Ngoài ra, một số tổ chức quốc tế cũng nhận định thu hút FDI của Việt Nam từ EU cũng chưa thực sự hiệu quả.
Vì vậy, theo đề xuất từ Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, khiến những người quan tâm tới hoạt động thu hút FDI phải trăn trở đó là dù đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng phải thu thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ EU để đa dạng hóa nguồn vốn FDI, đồng thời tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn, cũng như tăng cường chuyển giao công nghệ cho khối kinh tếtư nhân trong nước.
Nhận định thêm về việc phải thu hút các nguồn vốn từ EU, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, trong chiến lược thu hút FDI tới đây, không phải là tìm “lời giải” đối với với Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà phải là Mỹ và EU.
“Làm sao phải kéo được các nhà đầu tư này vào, nếu không, chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ châu Á, kể cả từ Trung Quốc - vốn đang có nhiều vấn đề”, GS.TSKH Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Nguồn Enternews