Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Định phải rà soát các hộ có nguy cơ thiếu đói, kịp thời cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị đói, khát. UBND tỉnh chủ động sử dụng nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, nhất là các hỗ trợ gia đình có người chết, người bị thương, gia đình bị mất nhà cửa, mức hỗ trợ cụ thể tuỳ điều kiện của các địa phương; ngân sách trung ương sẽ cân đối, hỗ trợ các địa phương khó khăn theo đúng quy định.
Bí thư Tỉnh uỷ phải yêu cầu cấp uỷ các cơ quan, đơn vị huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên, phụ nữ,… tham gia dọn vệ sinh môi trường, sớm đưa học sinh trở lại trường, tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân vùng bị ngập lũ; đặc biệt hỗ trợ sửa chữa, dựng ngay nhà cửa bị đổ trôi, chủ động bố trí chỗ ở tạm, không để người dân sống cảnh “màn trời chiếu đất”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đập kiểm tra, khắc phục kịp thời các sự cố đê điều, hồ đập để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết thời gian tới, nhất là bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đồng thời bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô tới.
Hỗ trợ gạo, giống lúa
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ bổ sung 2.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Bình Định để cứu trợ cho Nhân dân bị thiệt hại do lũ lụt; bổ sung trước 80 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho tỉnh Bình Định để kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ dân sinh, khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về chủ trương hỗ trợ bằng tiền để tỉnh Bình Định tự mua giống lúa phù hợp với mùa vụ; không thu học phí học kỳ II năm học 2016-2017 đối với học sinh là con các gia đình bị thiệt hại nặng do lũ lụt vừa qua trên địa bàn tỉnh Bình Định theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015.
Xây dựng Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai
Để phòng, chống mưa lũ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai cho khu vực miền Trung; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, đánh giá toàn diện, cụ thể về thực trạng thiên tai (mưa lũ, ngập lụt, hạn hán) ở miền Trung và Tây Nguyên, xác định rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp xử lý tổng thể, căn cơ chủ động ứng phó, thích nghi.
Bộ Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý công trình giao thông chưa phù hợp, cản trở thoát lũ, ảnh hưởng an toàn khu dân cư, chủ động mở rộng khẩu độ đối với các cầu, cống gây cản lũ để đảm bảo thoát lũ, không để tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng do ảnh hưởng của công trình giao thông...
Từ tháng 10 đến nay, khu vực miền Trung, Tây Nguyên liên tiếp xảy ra 5 đợt mưa lũ lớn, riêng tỉnh Bình Định hơn 1 tháng qua 4 lần bị ngập lụt. Đây là đợt lũ muộn, bất thường, đỉnh lũ một số nơi xấp xỉ mức lũ lịch sử, gây ngập lụt trên diện rộng, nhiều khu dân cư bị ngập sâu, cô lập, chia cắt dài ngày, sản xuất bị đình trệ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân, thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của Nhân dân, hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng, nhất là về dân sinh, giao thông, thủy lợi, thủy sản bị tàn phá...
Nguồn Báo Công Thương