Thứ Sáu, 22/11/2024 17:59:37 GMT+7
Lượt xem: 3633

Tin đăng lúc 01-12-2016

Tăng cường phối hợp để ngăn chặn rượu - bia lậu, giả và nhái dịp Tết

Dịp cuối năm là thời điểm chuẩn bị Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng rượu - bia thường tăng cao so với các tháng khác trong năm. Do vậy, tình trạng các loại rượu - bia lậu, giả, kém chất lượng thường bị một số đối tượng xấu lợi dụng trà trộn với hàng chính hãng tung ra thị trường tiêu thụ, gây thất thu ngân sách Nhà nước, doanh thu của doanh nghiệp và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng cường phối hợp để ngăn chặn rượu - bia lậu, giả và nhái dịp Tết
Lực lượng chức năng thu giữ rượu lậu, rượu giả thương hiệu

Trước thực trạng này, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng như công an, quản lý thị trường… với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, để người dân có một cái Tết an toàn.

 

Rượu lậu, rượu giả, rượu kém chất lượng… đủ đường len vào thị trường trong nước

 

Đối với mặt hàng rượu, phương thức sản xuất rượu giả của các đối tượng xấu phổ biến hiện nay là dùng vỏ chai rượu của các nhãn hiệu nổi tiếng đã qua sử dụng nhưng còn mới (có thể mua lại của các cửa hàng phế liệu) rồi về đóng nắp, nút giả, rượu thì được pha chế từ những loại cồn, rượu có giá trị thấp để đóng thành những chai rượu có giá trị cao của các nhãn hiệu nổi tiếng như: Chivas, Balantine, Hennessy… Không chỉ sản xuất rượu giả, các đối tượng còn sử dụng tem chống rượu giả rất giống tem thật, khó phân biệt bằng mắt thường. Còn với rượu nhập lậu, các đối tượng lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất vào các cửa hàng miễn thuế, hoặc tái xuất sang nước thứ ba để tuồn vào thị trường nội địa, hoặc gian lận khi làm thủ tục thông quan như: nhập số lượng nhiều nhưng khai ít rồi hợp thức hóa bằng hóa đơn khi tiêu thụ trong nội địa… Bên cạnh đó, thực trạng và tình hình sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu bia lậu, giả thâm nhập vào thị trường trong nước, đặc biệt là rượu nấu thủ công tại các làng nghề cũng đang diễn ra rất nhức nhối. Ông Lê Văn Được - Hiệp hội Rượu- Bia- Nước giải khát Việt Nam, cho biết: “Trong ngành rượu có một tồn tại cho đến nay mà Hiệp hội và Ngành rất trăn trở đó là quản lý rượu làng nghề, rượu thủ công chưa kiểm soát được. Hiệp hội có đi kiểm tra nhưng Sở Công Thương một số địa phương chưa nắm được con số, nếu Nghị định 94 có sửa thì cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực sản xuất rượu thủ công ở làng nghề. Thứ hai là rượu làng nghề lưu thông trên thị trường chưa quản lý được”.

 

Theo thống kê của Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương, 9 tháng năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ 28.500 chai rượu, trong đó vi phạm về hàng nhập lậu là 15.100 chai, rượu giả hơn 6.000 chai, rượu kém chất lượng gần 2.000 chai và các vi phạm khác hơn 5.000 chai. Mặt hàng bia nhập lậu và bia kém chất lượng bị lực lượng chức năng thu giữ trên toàn quốc 102.500 lon. Các hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ, chai, tem nhãn bao bì vi phạm kiểu dáng công nghiệp. Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Có hai nguyên nhân về tình trạng làm gian, giả rượu các hãng có thương hiệu nổi tiếng: Một là, cách tận dụng vỏ chai của các hãng chưa giải quyết được; Hai là, các hãng chưa chủ động phối hợp với các lực lượng ngăn chặn rượu lậu, rượu giả thương hiệu. Ông Nguyễn Trọng Tín đề xuất, “Các hãng nên chủ động thu mua lại vỏ chai, hoặc nếu không thì phải có biện pháp giám sát tiêu hủy”.

 

Chống rượu lậu, rượu giả, rượu kém chất lượng… cần giải pháp mạnh

 

Ông Dương Xuân Sinh - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cho biết: Trong chuyên đề và kế hoạch về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp tết Nguyên đán này thì rượu, bia, nước giải khát là mặt hàng trọng điểm các lực lượng phối hợp chặt chẽ để kiểm tra kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm. Cụ thể, lực lượng Công an, Hải quan lập chuyên án, lực lượng quản lý thị trường xác lập kế hoạch chuyên đề theo từng ngành hàng, từng thời điểm. Theo ông Dương Xuân Sinh, để ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm, gian lận thương mại đối với hoạt động kinh doanh mặt hàng rượu, bia, nước giải khát vào dịp cuối năm, cần sự phối hợp vào cuộc của Hiệp hội ngành hàng đặc thù này với các lực lượng chức năng. “Trong 10 tháng, các lực lượng chức năng đã bắt giữ khoảng 104 nghìn chai rượu, 163 nghìn chai bia các loại. Vi phạm bắt được chủ yếu là rượu nhập lậu, không khai báo hải quan. Mới đây nhất một vụ ở Phú Yên có hơn 100 thùng rượu Voka, họ dán cả tem giả vào để trốn thuế. Với mặt hàng phong phú hiện nay, hàng hóa lưu thông trên thị trường gần như ngành hàng, hiệp hội khoán trắng cho lực lượng chức năng. Về chính sách, Văn phòng 389 kiến nghị, phối hợp với kênh 389 Quốc gia để lên kế hoạch phương án chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả rượu bia. Các hiệp hội và doanh nghiệp lớn phải đứng lên bảo vệ thương hiệu của mình bằng các giải pháp cụ thể và tập trung vào địa bàn trọng điểm như sân bay, cảng biển, tập trung vào mặt hàng dễ bị lợi dụng để chặn đứng ngay tại cửa khẩu”- ông Dương Xuân Sinh đề nghị.

 

Xác định mặt hàng rượu, bia, nước giải khát là mặt hàng trọng điểm tập trung, tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời điểm này các lực lượng chức năng đã lên kế hoạch cụ thể. Về mặt hàng rượu, đặc biệt chú trọng hành vi vi phạm về sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, hành vi buôn bán kinh doanh rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước bằng cách: Kiểm tra tại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các địa điểm kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, quán bar, vũ trường… Ngoài ra, tăng cường truyên truyền giáo dục vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại cam kết không sản xuất bia - rượu - nước giải khát giả, kém chất lượng; đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm buôn lậu, sản xuất kinh doanh mặt hàng trọng điểm này. Còn về phía người tiêu dùng, nên cẩn trọng khi đi mua sản phẩm này, nên chọn lựa kỹ hàng hóa có tem mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kẻo “tiền mất tật mang”./.

 

                             Hoàng Xuân Lan 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang