Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu dệt may vẫn phải chịu tác động từ nhiều yếu tố như: sự cạnh tranh từ các nước phát triển mạnh về dệt may, giá cả đầu vào tăng, đơn hàng giảm... Hiệp hội dệt may dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của ngành năm nay chỉ khoảng 8-9%.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, trong 8 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành có sự tăng trưởng khá tốt, đạt 19,8 tỉ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất ngành, chiếm 51% thị phần, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Ngoài yếu tố thị trường, xuất khẩu dệt may thời gian qua cũng có một số yếu tố thuận lợi khác, đó là EU đã quyết định chấp nhận quy tắc cộng dồn xuất xứ đối với nguyên liệu sản xuất hàng may mặc cho Việt Nam.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn do đơn hàng ngày một giảm đi, thời gian giao hàng ngắn. Đặc biệt, dệt may Việt Nam đang chịu sức ép về giá do ngành dệt may một số nước như Bangladesh, Myanma, Campuchia… đang phát triển rất mạnh nhờ được hưởng cơ chế ưu đãi từ Mỹ, EU... Chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ và việc điều chỉnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ khiến các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam tiếp tục phá giá đồng nội tệ, giảm thuế để hỗ trợ xuất khẩu.
Ngoài ra, chi phí nhân công, lưu kho, vận chuyển, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, sẽ tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp dệt may trong nước.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, dệt may trong những tháng cuối năm sẽ không có nhiều đột biến. Dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của toàn ngành năm nay cũng chỉ ở mức 8-9%:
Theo ông Dường, nếu doanh nghiệp muốn cạnh tranh được và giữ được hàng để các đơn hàng không chuyển sang thị trường Ấn Độ, Bangladesh thì tất cả các doanh nghiệp đều phải cạnh tranh cả về giá nữa, giá cả phải giữ nguyên, thậm chí phải giảm đi.
Để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch đề ra, Bộ Công Thương đề nghị ngành dệt may tích cực triển khai hoạt động đưa hàng Việt ra nước ngoài thông qua thực hiện Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020"; kết nối cung- cầu với hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài hiện diện tại Việt Nam; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, nhất là hoạt động giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương; Tổ chức các chương trình sử dụng sản phẩm của nhau, hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nội địa./
Nguồn Vov.vn