Năm tháng đầu năm 2025, ngành Dệt May đạt kim ngạch xuất khẩu 17,8 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2024, tương ứng mức tăng tuyệt đối 1,6 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 6,97 tỷ USD tăng 17%; EU đạt 1,86 tỷ USD, tăng 15%; Nhật Bản đạt 1,83 tỷ USD, tăng 11%; thị trường ASEAN đạt 1,33 tỷ USD, tăng 7% so cùng kỳ,…
Mặc dù thu hút được một lượng lớn dự án FDI, phần lớn các dự án này vẫn tập trung vào khâu may mặc, tức là gia công và sản xuất sản phẩm cuối cùng. Sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu luôn là vấn đề khiến nhiều DN CNHT ngành Dệt May Việt Nam gặp khó.
Báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ nội địa hóa của ngành Dệt May Việt Nam vẫn chỉ dao động quanh mức 45-50%. Điều này đồng nghĩa với việc hơn một nửa nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải và sợi, vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác. Sự phụ thuộc này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam mà còn khiến ngành dễ bị “tổn thương” trước những biến động của thị trường thế giới.
Nhận thức rõ điều này, Chính phủ đã không ngừng “trải thảm đỏ”, ban hành hàng loạt chính sách nhằm mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), những “đại bàng” có tiềm lực về công nghệ và vốn, đến Việt Nam dựng “tổ” - những nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu quy mô lớn. Nhưng dường như, tấm thảm đỏ ấy vẫn chưa đủ sức níu chân những nhà đầu tư chiến lược.
Chiếc áo chính sách đã “may” nhưng chưa vừa vặn
Không thể phủ nhận những nỗ lực chính sách mạnh mẽ từ phía Chính phủ. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, kể từ khi Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT được ban hành và tiếp đó là Nghị quyết 115/NQ-CP năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, vốn FDI vào dệt may có tăng nhưng chủ yếu vẫn là các dự án mở rộng công suất may mặc, hoặc các dự án sản xuất phụ liệu đơn giản như cúc, khóa, nhãn mác. Các dự án đầu tư vào sản xuất vải, sợi công nghệ cao, thuốc nhuộm, hóa chất dệt nhuộm – những mắt xích quan trọng nhất của chuỗi giá trị – lại rất ít ỏi, cả về số lượng và quy mô vốn.
Tại các “thủ phủ” dệt may như Nam Định, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng tích cực quy hoạch các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, cam kết cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Thế nhưng, kết quả thu hút FDI vào lĩnh vực này vẫn chưa như kỳ vọng. Dòng vốn FDI vào dệt may vẫn chủ yếu tập trung vào khâu cắt - may (gia công), vốn mang lại giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động. Những dự án sản xuất vải, sợi công nghệ cao, dệt nhuộm hoàn tất... quy mô lớn, có khả năng dẫn dắt thị trường vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến những “đại bàng” còn do dự, dù “thảm đã trải, cửa đã mở”?
Giải mã những “điểm nghẽn” vô hình
Đầu tiên, đó là cái khó của quy hoạch và hạ tầng đồng bộ. Sản xuất nguyên phụ liệu, đặc biệt là dệt nhuộm, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về hạ tầng. Một nhà đầu tư không chỉ cần một mảnh đất sạch, họ cần một “hệ sinh thái” hoàn chỉnh: Nguồn cung cấp điện và nước ổn định công suất lớn, và quan trọng nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung, quy mô, đạt chuẩn quốc tế.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS, từng nhiều lần nhấn mạnh: Nhiều địa phương rất muốn thu hút dự án dệt nhuộm nhưng lại e ngại vấn đề môi trường. Trong khi đó, việc đầu tư một nhà máy xử lý nước thải hiện đại tốn kém hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD, vượt quá khả năng của một doanh nghiệp đơn lẻ. Sự thiếu vắng các khu công nghiệp chuyên ngành được quy hoạch bài bản, đầu tư hạ tầng đi trước một bước, đặc biệt là hạ tầng xử lý môi trường, chính là rào cản vật lý lớn nhất. Nhà đầu tư không thể “đơn thương độc mã”giải quyết bài toán hạ tầng vĩ mô.
Bên cạnh đó là rào cản “tâm lý” về môi trường. Dệt nhuộm là ngành tiêu thụ nhiều nước và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao. Sau những sự cố môi trường trong quá khứ (dù ở các ngành khác), tâm lý “thận trọng quá mức” của một số chính quyền địa phương đã vô tình tạo ra rào cản cho các dự án lớn. Thay vì thẩm định kỹ lưỡng công nghệ xử lý môi trường hiện đại của nhà đầu tư, nhiều nơi có xu hướng “nói không” từ đầu để đảm bảo an toàn. Điều này khiến các nhà đầu tư chân chính, có công nghệ cao và cam kết phát triển bền vững cảm thấy nản lòng.
Ngoài ra còn là sự thiếu liên kết chuỗi và thị trường đầu ra tại chỗ. Một “đại bàng” sản xuất vải không thể tồn tại nếu không có những nhà máy sợi cung ứng đầu vào và các doanh nghiệp may mặc cam kết tiêu thụ đầu ra. Chuỗi cung ứng trong nước hiện vẫn còn rời rạc. Các doanh nghiệp may mặc lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, đã quen với việc nhập khẩu từ các nhà cung cấp truyền thống có quy mô và sự ổn định đã được kiểm chứng. Để một nhà sản xuất vải mới tại Việt Nam chen chân vào chuỗi cung ứng này, họ cần thời gian, sự hỗ trợ kết nối và một cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp may mặc ưu tiên dùng hàng nội địa.
Để “đại bàng” thực sự đến làm tổ
Việc thu hút FDI vào CNHT dệt may không còn là câu chuyện của những ưu đãi chung chung. Đã đến lúc cần những giải pháp đột phá theo đúng nhu cầu của nhà đầu tư chiến lược.
Thứ nhất, cần vai trò “nhạc trưởng” của Chính phủ trong quy hoạch. Thay vì để các địa phương tự phát, Chính phủ cần quy hoạch các Đại khu công nghiệp Dệt may - CNHT tầm cỡ quốc gia (từ 500 - 1.000 ha). Tại đây, Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư hạ tầng khung, đặc biệt là các nhà máy xử lý nước thải tập trung công nghệ cao. Khi đó, doanh nghiệp chỉ việc vào đầu tư máy móc, nhà xưởng, giảm bớt gánh nặng và rủi ro ban đầu.
Thứ hai, cần một cơ chế “vượt trội” và thông điệp chính sách nhất quán. Cần có những ưu đãi đột phá, vượt trội hơn so với các chính sách hiện hành, dành riêng cho các dự án “đầu tàu” trong lĩnh vực sản xuất nguyên liệu công nghệ cao, thân thiện môi trường. Quan trọng hơn, cần một thông điệp mạnh mẽ và nhất quán từ Trung ương đến địa phương: Việt Nam chào đón các dự án dệt nhuộm công nghệ cao và cam kết đồng hành, tháo gỡ vướng mắc về môi trường một cách khoa học, minh bạch thay vì né tránh.
Thứ ba, chuyển từ “thu hút bị động” sang “xúc tiến chủ động”. Các cơ quan xúc tiến đầu tư cần xác định danh sách các “đại bàng” tiềm năng trên toàn cầu, chủ động tiếp cận, tìm hiểu nhu cầu và đưa ra các chính sách ưu đãi cho họ. Vai trò của các tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài cần được phát huy mạnh mẽ hơn trong việc làm cầu nối, cung cấp thông tin và thuyết phục các nhà đầu tư chiến lược.
Việc thu hút FDI vào CNHT dệt may không chỉ là vấn đề của riêng ngành Dệt May mà còn là một phần quan trọng của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để những “đại bàng” thực sự về làm tổ và cất cánh tại Việt Nam, chúng ta cần một tầm nhìn chiến lược dài hạn, những chính sách đột phá và sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội. Chỉ khi đó, ngành dệt may Việt Nam mới có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng và thực sự vươn tầm trên bản đồ dệt may thế giới.
Trường Phạm