Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2018 ước tính đạt 20,90 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu vẫn thiếu bền vững
Nhận định tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, kim ngạch xuất khẩu tăng đã cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng “lan tỏa” thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng mạnh, tỷ trọng của hàng nông, thủy sản giảm và nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỷ trọng khoảng 2%. Đáng chú ý, hiện nay thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa., cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản là tốt, đặc biệt là đối với nhóm hàng công nghiệp.
Mặc dù vậy ông Hải cũng chỉ rõ, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong công tác xuất khẩu thời gian qua. Điển hình như, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp FDI khi vẫn chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng (do chiến tranh thương mại, tác động của các FTA…) sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động mạnh hơn”, ông Hải phân tích.
Đối với nhóm hàng nông, thủy sản mặc dù đã và đang được Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, song theo ông Hải, mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm này chưa cao, cụ thể là còn phụ thuộc nhiều vào khu vực châu Á (chiếm tới 52,7%). Đặc biệt, một số mặt hàng phụ thuộc vào một thị trường duy nhất như sắn, cao su, thanh long...
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hiện nay Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, song mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, giá trị gia tăng thấp và kết nối trong nước yếu, điều này dẫn đến quá trình xuất khẩu thiếu tính bền vững.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt còn nhiều bất cập trong quản lý, ít đổi mới công nghệ cũng như khó tiếp cận tài chính. Nguồn nhân lực còn thiếu kỹ năng chuyên môn sâu nên sản phẩm cung ứng thiếu hàm lượng giá trị gia tăng, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tính bền vững của hoạt động xuất khẩu còn kém khi Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp, hoặc đa dạng hoá và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Cần quy trình cải cách
Nhận định của Bộ Công Thương cho thấy, để hướng tới xuất khẩu bền vững và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp tổng thể như mở rộng thị trường; tăng cường thông tin thị trường; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý với xuất khẩu…
Một số chuyên gia cho rằng, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, điều kiện tiên quyết là sản phẩm phải có chất lượng tốt, sản phẩm phải được kiểm soát qua cả một quy trình từ gốc cho đến sản phẩm cuối cùng.
Do đó, Việt Nam cần có cải cách toàn diện theo cả chiều ngang và chiều dọc ở các ngành cụ thể. Quá trình cải cách này có thể triển khai theo một lộ trình toàn diện xuyên suốt nhiều khía cạnh. Đặc biệt là cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa doanh nghiệp xuất khẩu với các doanh nghiệp cung cấp đầu, bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hoá, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao mức độ tinh thông trong hoạt động như kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý bên trong giúp doanh nghiệp đạt được năng suất và trình độ đổi mới sáng tạo cao nhất có thể...
PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên Cao cấp của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) nhận xét, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã dần len được vào hệ thống phân phối tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, có cơ chế kiểm tra chất lượng hàng hóa nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài những doanh nghiệp lớn chuyên về xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng đã bắt đầu có hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, trong cơ cấu xuất khẩu hiện nay, xuất siêu vẫn đang còn tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nhập siêu lại là những doanh nghiệp trong nước. Điều này thể hiện sự yếu kém của các doanh nghiệp trong nước nên cần phải thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là cung cách sản xuất vẫn chưa thoát khỏi tình trạng manh mún, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công nghiệp và hàng thủ công mỹ nghệ.
“Nếu không thay đổi tình trạng này sẽ khó lòng có thể trụ vững trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng khó, bởi trong xu thế mở cửa và Việt Nam đa và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, nhiều quốc gia đã dựng lên những rào cản thương mại… Khi Việt Nam không giải quyết được vấn đề này trong nội bộ nền kinh tế, công tác xuất khẩu thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng cảnh báo./.
Theo Vov