Thứ Sáu, 22/11/2024 03:39:52 GMT+7
Lượt xem: 3420

Tin đăng lúc 14-06-2016

Tạo “cú huých” xuất khẩu vải

Ngày 13/6, tiếp tục chương trình xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị xúc tiến xuất khẩu (XK) vải thiều tại tỉnh Lạng Sơn nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa tiêu thụ mặt hàng này.
Tạo “cú huých” xuất khẩu vải

Nỗ lực của “chủ vườn”

 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, tổng sản lượng vải thiều năm 2016 ước đạt 130.000 tấn, giảm gần 30% so với năm 2015; trong đó vải chín sớm chiếm 17,7%; vải chính vụ chiếm 82,3%, tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Thế và Sơn Động. Thời gian thu hoạch vải thiều năm nay muộn hơn so với các năm trước, mùa vải sớm từ ngày 5-20/6, vải chính vụ dự kiến từ ngày 20/6 - 25/7.

 

Để chuẩn bị tốt cho công tác tiêu thụ, trước đó, Bắc Giang đã triển khai xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều sau thu hoạch; quy hoạch vùng vải thiều chất lượng cao phục vụ XK...

 

Đồng thời, thực hiện nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân trồng vải áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bảo đảm đủ điều kiện, nguồn hàng sẵn sàng phục vụ XK, đặc biệt là sang Trung Quốc. Đây là thị trường truyền thống của vải thiều Việt Nam.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, năm 2015, sản lượng vải thiều XK chiếm 45%, trong đó qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn (Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam) hơn 55.000 tấn, chiếm 38,2% tổng sản lượng vải thiều của cả tỉnh.

 

Đánh giá về mùa vụ năm 2016, ông Tấn cho hay, mặc dù sản lượng giảm sút so với năm trước song chất lượng và giá cả vải thiều năm nay lại cao hơn hẳn. Vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã đón tiếp và tạo điều kiện cho 326 thương nhân Trung Quốc đến giám sát thu mua vải thiều.

 

 

 

Giới thiệu vải thiều tại hội nghị

 

Theo ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, huyện đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều. Cụ thể, Lục Ngạn tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thùng xốp, nước đá...

 

Trong khi đó tại Hải Dương, tổng diện tích trồng vải năm 2016 vẫn duy trì 11.000ha cho sản lượng gần 50.000 tấn. Trong đó, địa phương này đã xây dựng được 36 mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 251,6ha, trong đó 150,66ha được chứng nhận với sản lượng trên 1.500 tấn; phấn đấu đến năm 2020, Hải Dương có 50% diện tích vải sản xuất theo quy trình an toàn; 20-30% theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo đủ điều kiện, nguồn hàng sẵn sàng phục vụ XK.

 

Chung sức đẩy mạnh giao thương

 

Theo ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường. “Hàng năm, tỉnh đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh bạn tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ vải quả và nông sản của tỉnh; tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tham gia nhiều hội chợ, triển lãm; tổ chức các đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường trong nước và quốc tế; liên kết với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tiêu thụ vải thiều”, ông Cương nhấn mạnh!

 

Nhằm mục đích gắn kết giao thương tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đặc biệt là các thương nhân Trung Quốc gặp gỡ, ký kết các hợp đồng mua bán vải thiều. Tỉnh Hải Dương kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Trung Quốc đến với Hải Dương, chính quyền tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, an ninh trật tự, giao thông và bến bãi đỗ xe cùng các dịch vụ khác.

 

Về phía huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện cũng đưa ra nhiều kiến nghị đề xuất đối với tỉnh Lạng Sơn cũng như đối với cơ quan nước bạn. Cụ thể, đối với tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàn đề nghị, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cấp giấy thông hành cho các thương nhân tiêu thụ vải thiều tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang (được áp dụng như cư dân biên giới). "Đồng thời tạo điều kiện về thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, phải kiểm dịch cho các thương nhân, giúp các thương nhân đảm bảo thời gian giao hàng tại Trung Quốc. Đối với chính quyền nhân dân thị xã Bằng Tường, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây cần tạo điều kiện bố trí bến bãi đậu xe và tập kết hàng ở Trung Quốc giúp hoạt động mua bán vải thiều thuận lợi" - lãnh đạo huyện bày tỏ.

 

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XK vải thiều qua biên giới, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Vũ Hồng Thủy cho biết, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu kinh tế cửa khẩu, nhờ đó hệ thống đường giao thông, kho bãi tại các khu vực cửa khẩu được nâng cấp mở rộng, đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu.

 

Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã mở rộng được 19 bến, bãi hàng hóa với diện tích hơn 820 nghìn m2. Từ tháng 3/2016, phía Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng bãi chuyên dụng hàng hóa Khả Phong, thay thế bãi cũ ở Pò Chài, Bằng Tường (Quảng Tây) với khả năng tiếp nhận gần một nghìn xe hàng hóa nông sản Việt Nam.

 

Để đẩy mạnh thúc đẩy tiêu thụ vải thiều, ông Trần Quốc Toản - Vụ Phó Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) khẳng định, đối với niên vụ 2016, trên cơ sở kết quả đạt được năm 2015, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương  tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng như XK, trong đó tập trung vào một số hoạt động chính như: Thường xuyên kịp thời cung cấp thông tin về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2016 trên các phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy XK và tiêu thụ trong nước.

 

Theo đó, cần phối hợp với các địa phương có vùng trồng (Bắc Giang, Hải Dương) để kiến nghị cũng như chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung hỗ trợ các thương nhân tổ chức thu mua và tiêu thụ vải thiều. Đặc biệt thông qua Hội nghị xúc tiến thương mại cho trái vải tại Lào Cai và Lạng Sơn, Bộ Công Thương mong muốn các cơ quan ban ngành Trung Quốc tạo mọi điều kiện để thúc đẩy hỗ trợ XK vải thiều sang Trung Quốc một cách thuận lợi và hiệu quả.

 

Theo Báo Công Thương điện tử

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang